1. Góp ý về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Tham gia góp ý về dự án Luật này, Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị sửa đổi khoản 16, Điều 4 như sau: “Người có quan hệ gia đình bao gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, anh ruột, chị ruột, em ruột”. Bởi vì, thứ nhất, việc quy định chi tiết như trong Dự thảo Luật là đúng, nhằm phòng, chống tham nhũng tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác hoặc thâu tóm lợi ích nhóm gia đình. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xảy ra tham nhũng trong tổ chức kinh tế hợp tác rất ít khi xảy ra vì có hệ thống kiểm soát chéo bao gồm: hoạt động kiểm soát của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; hoạt động kiểm soát của thành viên; hoạt động kiểm soát của hội đồng quản trị. Thứ hai, trong một đại gia đình, bố mẹ còn độ tuổi lao động, các con có gia đình, có sổ hộ khẩu riêng, có tài sản riêng thì cùng được tham gia trong một tổ chức kinh tế hợp tác. Thứ ba, trong thực tiễn, nhiều hợp tác xã siêu nhỏ, số thành viên ít, dưới 10 người, nhưng đã có số đông là anh em ruột, bố mẹ, họ đều có gia đình riêng, có kinh tế hộ gia đình độc lập. Theo quy định về điều kiện thành viên thì họ đủ điều kiện tham gia hợp tác xã, khi cùng tham gia họ rất dễ bảo nhau, tin nhau để cùng góp vốn sản xuất kinh doanh. Nếu quy định quá chặt chẽ như trên sẽ là rào cản cho việc thành lập và tổ chức hoạt động của các hợp tác xã.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị sửa đổi tại khoản 1, Điều 58: “từ 06 tháng thành 12 tháng”. Vì ở nhiều địa phương trên cả nước, sản phẩm nông sản chỉ được thu hoạch một năm một lần (như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ, xoài, nhãn, vải...). Tức là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã chỉ góp vốn khi họ bán được sản phẩm. Nếu quy định 06 thì sẽ gây khó khăn, một là họ góp thì phải đi vay nợ lãi với lãi suất cao, không góp thì vi phạm pháp luật, mặc dù họ rất tha thiết tham gia tổ chức kinh tế hợp tác.
Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) |
Về thành viên liên kết được quy định tại khoản 24, Điều 4, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi và bổ sung khoản 24, Điều 4 như sau: “Thành viên...... với tổ hợp tác. Số lượng thành viên liên kết không nhiều hơn số lượng thành viên chính thức”. Bởi vì, nếu không có quy định này, bản chất của hợp tác xã khó giữ được, một nhóm cá nhân ít người sẽ điều hành (5 người), thao túng hàng trăm người và ngược lại, hàng trăm thành viên liên kết sẽ làm giàu cho một số ít người (5 người). Mặc dù quyền của thành viên liên kết đã được quy định rất cụ thể trong dự thảo dự án Luật, nhưng về bản chất vẫn là số đông người làm giàu cho một số rất ít người. Bên cạnh đó, các chính sách của nhà nước khi hỗ trợ cho hợp tác xã thì cũng chỉ số ít vài thành viên được hưởng lợi.
Việc giới hạn số lượng thành viên liên kết vô hình chung đã quy định việc tổ chức kinh tế hợp tác muốn mở rộng thành viên liên kết thì phải mở rộng thành viên chính thức. Điều luật này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng và phát triển tổ chức kinh tế hợp tác.
Tại Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 18, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung mức được giảm cụ thể là bao nhiêu %. Còn tại Điều 68, dự thảo Luật chưa làm rõ được thế nào là lợi ích thành viên, thế nào là lợi nhuận của tổ chức kinh tế hợp tác.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất với quan điểm là tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế tập thể của hợp tác xã ở nước ta thời gian tới và việc sửa đổi Luật hợp tác nhằm phù hợp với điều kiện của nước ta là rất cần thiế. Tuy nhiên, tại Điều 77 về chấm dứt tư cách thành viên: Điểm a, Khoản 1 “thành viên là cá nhân chết bị Tòa án tuyên bố đã chết, mất tích, bị hạn chế và họ mất năng lực hành vi dân sự”, đại biểu đề nghị sửa lại là “thành viên là cá nhân đã chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế về năng lực và hành vi dân sự”. Tại khoản 2, Điều 68 quy định sau khi bị trừ tất cả các loại quỹ đi thì có ba loại hình phân phối thu nhập như sau: theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ là chủ yếu; theo mức độ đóng góp sức lao động và theo tỷ lệ phần trăm góp vốn. Nếu hiểu theo cách sắp xếp vấn đề như trên thì chúng ta xác định rõ tinh thần chủ yếu là phân phối theo mức độ sử dụng sản phẩm và dịch vụ. Trong khi, theo Luật hợp tác xã năm 2012 thì quy định sau khi trừ các loại quỹ, một phần chia theo tỉ lệ góp vốn và một phần chia theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ. Điều đó có nghĩa là cho phép hợp tác xã tự quyết định điều lệ của mình ở mức chia một vấn đề khác, trên thực tế, hợp tác xã rất rất khó huy động vốn. Vì khi hợp tác xã hoạt động tốt và lợi nhuận để chia theo chế độ dịch vụ và tỷ lệ góp vốn thì người có vốn nhiều sẽ nhận thấy sự bất công. Trường hợp rủi ro, các hợp tác xã giải thể, phá sản và tỷ lệ chia theo dịch vụ thì thành viên nông dân đã được thụ hưởng rồi còn người góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trước phần góp vốn của mình, vô hình chung, mất luôn phần có vốn và không ai chịu trách nhiệm. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tách ra một khoản quy định cụ thể tối đa về lợi ích của thành viên, trong đó quy định hợp tác xã phải có trách nhiệm tối đa hóa lợi ích thành viên thông qua việc sử dụng dịch vụ đưa vào dịch vụ đầu tư.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng thống nhất với quan điểm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế tập thể |
2. Góp ý về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Tham gia góp ý, thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Tại khoản 2, Điều 21 quy định cấp độ phòng thủ dân sự, trong dự án Luật quy định 4 cấp Phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 24 quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm phòng thủ dân sự, dự thảo Luật không quy định cấp nào triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4 để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm vào khoản 5, Điều 24 của dự thảo Luật như sau:
“5. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3 và phòng thủ dân sự cấp độ 4”.
Tại Điều 44, dự thảo Luật quy định Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Hiện nay, các quỹ có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự (Quỹ Phòng, chống thiên tai; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch; Quỹ Bảo vệ môi trường; Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân) có các đối tượng thu, chi mang tính chuyên ngành hoàn toàn khác nhau. Do đó, khi Quỹ Phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ trên cần phải xác định cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ. Ví dụ, không thể chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai.