Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát tại Đắk Nông
Ngày 19/3, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khảo sát phục vụ thẩm tra Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) tại Đắk Nông.
Đồng chí Lê Trọng Yên, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp và làm việc với đoàn công tác.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đơn vị đã đầu tư và đưa vào vận hành Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), với cùng công suất 650.000 tấn/năm.

TKV có định hướng nâng công suất hai nhà máy lên 2 triệu tấn alumin/năm mỗi nhà máy. Bên cạnh đó, TKV dự kiến đầu tư thêm một dự án khác, công suất 2 triệu tấn/năm tại Đắk Nông và tổ hợp sản xuất nhôm.
Sau khi các dự án hoạt động, sản lượng alumin sẽ từ 4-6 triệu tấn/năm. Khi đó, nhu cầu vận chuyển sẽ tăng cao. Nếu được đầu tư đường sắt sẽ góp phần giảm áp lực đường bộ, giảm chi phí vận chuyển và tác động môi trường.

Theo Sở Xây dựng Đắk Nông, thời gian qua, tỉnh đã được quan tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nhưng do nguồn lực khiêm tốn, việc đầu tư chưa đồng bộ, kết cấu giao thông còn hạn chế.
Năm 2024, Dự án đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội thông qua. Hiện dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai, tạo ra động lực to lớn đối với Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Đắk Nông có trữ lượng bô xít lớn và nhiều nhà đầu tư đã đến nộp hồ sơ đầu tư khai thác, chế biến bô xít với tổng số vốn đăng ký rất lớn. Để tạo ra sự đột phá, tỉnh Đắk Nông đề xuất đoàn công tác có kiến nghị với cấp có thẩm quyền đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tuyến đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, Đắk Nông kiến nghị ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành để kết nối với đường sắt Xuyên Á xuống cảng Thị Vải, phục vụ vận chuyển alumin, nhôm tinh chế và các sản phẩm sau nhôm.

Tỉnh đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận vào quy hoạch đường sắt quốc gia. Hệ thống đường sắt này cũng giúp vận chuyển nông sản và các sản phẩm khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác đã có nhiều ý kiến liên quan tới Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia. Đoàn công tác cơ bản đồng tình với đề xuất của tỉnh Đắk Nông và TKV.

Đồng chí Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, thời gian qua, đoàn đã khảo sát ở nhiều địa phương.
Dịp này, đoàn đã chọn Đắk Nông để khảo sát nhằm nắm bắt tình hình thực tế, nhu cầu đầu tư đường sắt của Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Đoàn công tác mong tỉnh Đắk Nông tiếp tục nghiên cứu, đóng góp vào Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi). Đắk Nông và các đơn vị cần hoàn tất báo cáo về nhu cầu đầu tư đường sắt, làm rõ các vấn đề: có nên đầu tư không, phương án đầu tư, thời gian thực hiện và chính sách hỗ trợ. Các nội dung này sẽ được đoàn tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Cùng ngày, đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV. Đoàn công tác đã đến khảo sát công trường khai thác bô xít, tìm hiểu thông tin sơ bộ về quy trình vận hành, sản xuất alumin.




