Khu vực đoàn đi khảo sát là hai bờ sông Krông Nô, nơi đang có nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là những đoạn sông được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát. Nhiều điểm, bờ sông đã bị sạt lở hàng chục mét, một số đoạn sông đã biến dạng.
Sông Krông Nô có tổng chiều dài gần 190km, đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó, đoạn chảy qua hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông dài hơn 53km. Mấy năm gần đây, đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông đã có 18 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài khoảng 10km, hơn 122ha đất canh tác dọc bờ sông đã bị dòng nước cuốn trôi. Tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trên đoạn sông chảy qua hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, hiện có 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông.
Theo chính quyền địa phương, tình trạng sạt lở dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại rất phức tạp. Các doanh nghiệp khai thác cát và thủy điện đổ trách nhiệm cho nhau, trong khi chính quyền và ngành chức năng địa phương không xác định được trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.
Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở TN&MT lập đoàn khảo sát, phối hợp với tỉnh Đắk Lắk xác định rõ nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô và trách nhiệm các bên liên quan để sớm thực hiện đền bù thiệt hại cho người dân. Đồng thời, các cơ quan liên quan của tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Trung tuần tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã có chuyến làm việc tại Tây Nguyên, vấn đề sạt lở sông Krông Nô được tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ cử đoàn vào hỗ trợ.
Đoàn công tác lần này của Cục Địa chất Việt Nam vào khảo sát sạt lở sông Krông Nô theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT để hỗ trợ hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.