Công nghiệp - Xây dựng

Đô thị xanh - xu hướng và hành động

Đức Diệu 04/08/2023 10:31

Những năm gần đây, các cụm từ như sống xanh; tăng trưởng xanh, đô thị xanh… đang được nhắc đến nhiều với những kế hoạch hành động khá cụ thể. Đây cũng là xu hướng nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

ADQuảng cáo

Đô thị xanh được hiểu là việc quy hoạch xây dựng và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Theo đó, đô thị xanh được phát triển trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, kiến trúc không gian đô thị mở và khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo tồn văn hóa bản địa và các di sản.

do-hoa-dien-tu-2.jpg
Đồ họa: V.D

Những thách thức hiện hữu

Trên thực tế, trong những thập niên gần đây, do tốc độ đô thị hóa của các địa phương trong cả nước diễn ra rất nhanh dẫn đến sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các tiêu chuẩn về xây dựng đô thị xanh cũng vì thế mà ít được các địa phương quan tâm bằng những lộ trình và đầu tư nguồn lực xứng tầm.

Với áp lực về đô thị hóa, các thành phố lớn đã sử dụng tối đa quỹ đất cho kiến trúc nhà ở, giao thông, các công trình khác dẫn đến một loạt hệ lụy như hiệu ứng nhà kính, tắc nghẽn giao thông, quá tải trong xử lý chất thải…

Để phát triển một đô thị xanh theo các tiêu chuẩn nhất định, hiện nay, rất nhiều thành phố trong cả nước đang “tiến thoái lưỡng nan” bởi sự phát triển nóng của các đô thị trong một thời gian dài.

Có chăng, các đô thị này hiện cũng tăng cường hệ thống cây xanh, xây dựng các khu đô thị điểm với các tiêu chí như: xanh, sạch, đẹp; kiến trúc xanh, con đường xanh…

Cách đây nhiều năm, xu hướng phát triển những đô thị như vậy cũng đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các đô thị này vẫn còn một khoảng cách khá xa để đạt đến tiêu chuẩn “xanh” như tại các quốc gia châu Âu do nhiều giới hạn về công nghệ cũng như quỹ đất.

Hầu hết các đô thị “xanh “ ở Việt Nam chỉ đang tập trung vào công viên, hồ nước và những mảng xanh trong các tòa nhà… Hay nói khác đi là chỉ đang dừng lại ở tiêu chí “không gian xanh” và “công trình xanh”.

Đô thị xanh được hiểu đơn thuần là những dự án đô thị, dân cư có mật độ cây xanh, công viên, mặt nước nhiều. Nhưng tiêu chuẩn đô thị như thế này hiện nay đang dần định nghĩa lại với nhiều chuẩn mực mới.

ADQuảng cáo

“Xanh hóa” các đô thị hiện đang là một xu hướng tại các thành phố trên khắp thế giới. Theo thống kê, có hơn 100 thành phố ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã triển khai những khu đô thị ở nhiều cấp độ khác nhau.

Dù không mới, nhưng khi nhắc đến “đô thị xanh”, không ít người sẽ định nghĩa bằng mật độ cây cối, độ rộng của công viên, mặt nước,… Hay nói cách khác, cây càng nhiều, công viên càng rộng thì đô thị càng “xanh”.

Tuy nghiên, quan điểm này chưa thật sự bao quát và toàn diện. Nhìn một cách tổng thể thì cần hội tụ 3 yếu tố gồm môi trường xanh – kinh tế xanh – xã hội xanh. Trong đó, cảnh quan thiên nhiên chỉ chiếm một phần.

Trên cơ sở các trục tiêu chí này, với áp lực từ đô thị hóa, nhiều vùng lõi đô thị cũng đang dần biến mất như di tích, văn hóa bản địa, khu vui chơi công cộng…

Không những thế, nhiều khu vực nông thôn cũng đang bị làn sóng đô thị hóa xâm lấn với những nhà máy, công trình cao tầng, bê tông hóa nông thôn và sự xâm nhập của văn hóa đô thị vào đời sống nông thôn.

Không chỉ ở Việt Nam, áp lực từ đô thị hóa quá nhanh cũng là thực trạng của các nước đang phát triển trên thế giới. Đặc điểm chung đối với các nước đang phát triển là sự dịch chuyển tập trung dân cư, hoạt động chính trị, kinh tế về các khu đô thị diễn ra nhanh, dẫn đến phát triển nóng. Trong khi nguồn lực đầu tư cho quy hoạch, hạ tầng thông minh, thân thiện với môi trường hạn chế dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Thay đổi và hành động

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đáng kể cách xây dựng và quản lý không gian đô thị. Cuộc sống đô thị bền vững là một trong 17 mục tiêu toàn cầu trong Chương trình nghị sự 2030. Hơn nữa, sự biến đổi khí hậu và một vài mô hình đô thị hóa có thể dẫn tới tăng mức độ dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển. Việc thiếu quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng đang mở ra cơ hội để lồng ghép tăng trưởng xanh vào quá trình lập quy hoạch và hoạch định chính sách.

Đối với Việt Nam, trên cơ sở thực trạng hiện hữu và xu hướng phát triển đô thị xanh, chúng ta cũng đã đưa ra lộ trình cho từng giai đoạn từ rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các đô thị lớn; lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chúng ta đang đưa ra mục tiêu phấn đấu thực hiện thí điểm xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại ít nhất bình quân 1 đô thị trên mỗi vùng kinh tế - xã hội.

Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020-2030, Việt Nam hoàn thành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt trước năm 2015 và các quy hoạch chung đô thị được phê duyệt mới. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, quy định quy phạm pháp luật về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Một khu đô thị đúng nghĩa là nơi mọi người không chỉ tận hưởng cuộc sống với những tiện nghi hiện đại, mà còn được tận hưởng thiên nhiên trong lành ngay trong khu phố nhà mình. Tích hợp nhiều tiện ích nâng tầm chất lượng sống, gắn kết cộng đồng trong nội khu cũng được đặc biệt chú trọng. Để đạt được điều này, chúng ta phải từng bước thay đổi từ công tác quy hoạch, xây dựng, thực thi chính sách và tạo lập văn hóa “sống xanh” trong mỗi người dân đô thị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị xanh - xu hướng và hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO