Việc đưa chuyên đề này vào chương trình giám sát của Quốc hội mang tính thời sự vì Quốc hội đang lấy ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Trong quá trình các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến đối với các dự án luật nêu trên đã cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống, từ thực tế hoạt động của lĩnh vực nhà ở, đất đai, công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng... Việc định hướng phát triển nhà ở xã hội phù hợp thực tế, không bị lạm dụng chính sách đang là vấn đề quan trọng hiện nay.
Chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều năm trước đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Tuy nhiên, chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ. Từ đó, khái niệm nhà ở xã hội đã thu hút được sự quan tâm của người dân và được coi là một trong những điểm nhấn của chính sách an sinh xã hội.
Thực tế cho thấy còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội nơi thì đông người muốn tham gia, nơi thì không thu hút được sự quan tâm của người dân.
Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác và để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là cho đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thực tế chưa đạt yêu cầu đề ra và cũng chưa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người trong diện được thụ hưởng.
Thực tế cho thấy còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội nơi thì đông người muốn tham gia, nơi thì không thu hút được sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, tiêu chí, phương thức xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn chưa thống nhất, chưa thuyết phục, khiến người dân và dư luận còn ý kiến khác nhau.
Thực trạng nêu trên không mới nhưng giải pháp để xử lý còn chưa quyết liệt và gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất được nhiều người dân quan tâm hiện nay là phát triển nhà ở xã hội phải định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ, từ đó đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế đến mức thấp nhất việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội. Đây cũng là một nội dung Đoàn giám sát của Quốc hội cần tập trung nghiên cứu, rà soát từ thực tế.
Trong phát triển nhà ở xã hội cũng như trong giám sát nội dung này, chúng ta cần đưa ra những tiêu chí cụ thể, chẳng hạn như: Người dân thuộc đối tượng nào sẽ sinh sống trong nhà ở xã hội; cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp nào sẽ cung cấp nhà ở xã hội; đơn vị phụ trách xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ như thế nào? Hiện nay, thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội có đạt kết quả đề ra hay không? Người đang sinh sống trong các nhà ở xã hội có thật sự là đối tượng được thụ hưởng hay không? Chất lượng các nhà ở xã hội thế nào? Việc mua bán, cho thuê nhà ở xã hội trong thực tế đang diễn ra theo chiều hướng nào?
Giám sát việc phát triển nhà ở xã hội đồng nghĩa với việc Quốc hội cần giám sát nhiều vấn đề, nội dung chung quanh lĩnh vực này. Đó là: Không gian sinh hoạt của các khu nhà ở xã hội, gồm các đặc điểm và điều kiện bên ngoài của khu nhà, cây xanh, mức độ ô nhiễm, tiêu chuẩn bảo trì; môi trường xã hội, như bảo đảm an toàn trật tự xã hội, trình độ, ý thức và lối sống của những người tại khu vực có nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cần giám sát cả việc phát triển, quản lý cơ sở vật chất công cộng, như: chợ, nhà hàng, khu vực thể thao, sân chơi, địa điểm văn hóa, khả năng kết nối giao thông…
Trong việc thực hiện chuyên đề giám sát lần này, Đoàn giám sát của Quốc hội cần lựa chọn những vấn đề đang vướng mắc, những khu vực được cho là đang cần phát triển nhà ở xã hội để triển khai công việc... Ngoài ra, thực hiện chuyên đề giám sát còn là phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến quản lý nhà ở xã hội để điều chỉnh và xử lý kịp thời.