Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020

08/02/2012 14:29

(Trích Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 – Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020)...

(Trích Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 – Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020)

1- Định hướng phát triển hạ tầng giao thông

- Về đường bộ, ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020. Duy tu và nâng cấp để bảo đảm giao thông các tuyến quốc lộ. Đầu tư nối thông tuyến Đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có hạ tầng yếu kém trên tuyến đường ven biển gắn với đê biển. Nối thông tuyến đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam. Nâng cấp một số tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông Tây.

Ưu tiên đầu tư trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, tuyến nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600km và đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2000km đường cao tốc.

- Về đường sắt, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có. Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp. Phát triển đường sắt đô thị, đường sắt nội ngoại ô tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt khổ 1,435m nối Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Vũng Tàu.

- Về đường thủy nội địa, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được quản lý khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến ở Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình.

- Về cảng biển quốc gia, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại hai cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).

- Về cảng hàng không, ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Xây dựng cảng hàng không quốc tế Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Huy động nguồn vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành.

- Ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của khu vực phía Bắc, Tây Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với phát triển một số lĩnh vực khác như thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp giữa phát triển giao thông với xây dựng nông thôn mới.

2- Định hướng phát triển hạ tầng cung cấp điện

Thực hiện đúng tiến độ các nhà máy điện theo Quy hoạch điện 7, ưu tiên các nhà máy có công suất từ 1000MW trở lên. Phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung, Nam. Ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió; nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện.

Tập trung đầu tư phát triển các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, bảo đảm đến năm 2020, đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành, đến năm 2030, nguồn điện hạt nhân có tổng công suất 10.700MW. Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối; kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.

Thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP còn 1,0 vào năm 2020.

3- Định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tập trung đầu tư nâng cấp các hệ thống thủy lợi hiện có, hiện đại hóa thiết bị điều khiển vận hành để phát huy công suất thiết kế và nâng cao năng lực phục vụ.

Xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông, các trạm bơm, các công trình ngăn mặn, xả lũ, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và vùng ven biển Trung Bộ. Xây dựng các công trình điều tiết, kiểm soát lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng duyên hải miền Trung, kiểm soát triều, bảo đảm tiêu nước cho các đô thị lớn, an toàn cho sản xuất và dân sinh. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai, bão, lũ, triều cường, động đất, sóng thần trong cả nước.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và công trình cấp nước sinh hoạt ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Phát triển thủy lợi phục vụ nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và cải tạo môi trường vùng ven biển. Đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng ở Tây Nguyên, Tây Bắc và các công trình thủy lợi kết hợp phòng, chống lũ khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng phương án thích hợp và từng bước đầu tư bảo đảm nguồn cấp nước cho đô thị và công nghiệp khu vực đông bắc Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

4- Định hướng phát triển hạ tầng đô thị

Dành đủ quỹ đất cho giao thông theo quy định khi xây dựng các khu đô thị mới. Ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm, nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị và các cầu lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.  

Phát triển vận tải hành khách công cộng, hiện đại, cả đường bộ, đường sắt trên cao, đường ngầm và giao thông tĩnh, nhất là các hình thức vận tải khối lượng lớn, hệ thống giao thông thông minh, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ đảm nhận vận chuyển khoảng 25 - 30% hành khách công cộng. Phát triển một số công trình hạ tầng đô thị lớn, hiện đại về giao thông, cung cấp điện, cấp thoát nước... tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho các đô thị trong cả nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn ở các thành phố lớn và các trung tâm vùng. Từng bước giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội đô. Nghiên cứu đầu tư hệ thống đê ven biển, công trình thủy lợi ven sông Sài Gòn, hệ thống cống ngăn triều, kiểm soát lũ, bảo đảm tránh ngập nước do thủy triều tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Đến năm 2015, tỷ lệ cấp nước sạch tại các đô thị từ loại III trở lên đạt 90%, các đô thị loại IV đạt 70%; khắc phục tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên; khoảng 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường. Đến năm 2020, tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, các đô thị loại V đạt 70%; khắc phục cơ bản tình trạng ngập úng tại các đô thị từ loại IV trở lên; 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.

5- Định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế

Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Không lấy đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp mới. Đến năm 2015, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh… cho lao động các khu công nghiệp. Đến năm 2020, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các công trình hạ tầng xã hội và xử lý nước thải, rác thải.

6- Định hướng phát triển hạ tầng thương mại

Phát triển hạ tầng thương mại tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hóa lớn tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng tiện lợi ở nông thôn; các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các đô thị lớn, đô thị trung tâm vùng, các thành phố, tỉnh lỵ.

Đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, nâng cấp các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại hiện có tại các thành phố lớn. Xây dựng các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quy mô vừa tại các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm vùng. Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử.

7- Định hướng phát triển hạ tầng thông tin

Phát triển mạnh hệ thống kết nối đa dạng với quốc tế, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế; tăng cường quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân. Tiếp tục phát triển vệ tinh viễn thông, đưa vệ tinh Vinasat-2 vào hoạt động trước năm 2015; xây dựng khu công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các nguồn lực phát triển đất nước. Đẩy nhanh tiến trình thực hiện thẻ công dân điện tử, Chính phủ điện tử và cam kết ASEAN điện tử.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững.

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

8- Định hướng phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Phát triển hệ thống hạ tầng giáo dục, đào tạo từ mầm non đến đại học và các viện nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Đến năm 2015, bảo đảm 60% nhu cầu, và đến năm 2020, cơ bản bảo đảm đủ ký túc xá sinh viên và nhà nội trú cho các trường phổ thông nội trú. Quan tâm phát triển nhà công vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Hình thành một số trường đại học chất lượng cao, các trường đại học xuất sắc, từng bước hình thành các trường đại học có tầm cỡ quốc tế ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị cấp vùng. Xây dựng các trường đào tạo nghề chất lượng cao tại trung tâm vùng. Có giải pháp đầu tư cho hạ tầng giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Trung Bộ.

Nhà nước tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia, các giải pháp khoa học công nghệ cho các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn. Đầu tư đồng bộ, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, các khu công nghệ cao, công viên công nghệ; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học để gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng, triển khai, thương mại hóa công nghệ mới.

9- Định hướng phát triển hạ tầng y tế

Phát triển hạ tầng y tế, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phấn đấu đạt tối thiểu 23 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2015 và 26 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020 (không tính giường bệnh trạm y tế xã). 

Tiếp tục nâng cao năng lực các cơ sở y tế dự phòng tuyến trung ương và khu vực, bảo đảm 100% trung tâm y tế dự phòng tỉnh có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 1; xây dựng và phát triển trung tâm y tế dự phòng huyện.

Hình thành mạng lưới khám, chữa bệnh theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về cấp độ chuyên môn, góp phần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện chuyên khoa. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng trong lĩnh vực y tế.

Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu, chất lượng cao ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị cấp vùng. Rà soát lại quy hoạch, xác định rõ chức năng của hệ thống bệnh viện đa khoa cấp vùng để có kế hoạch đầu tư có hiệu quả.

10- Định hướng phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch

Phấn đấu đến năm 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao cơ bản, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hầu hết các quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện. Đánh giá lại hiệu quả của nhà văn hóa xã, làng, bản, ấp để có chủ trương đầu tư phù hợp.

Xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn, hiện đại tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn.

Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư phát triển các công trình hạ tầng phục vụ du lịch để phát huy thế mạnh và khai thác có hiệu quả tiềm năng của mỗi địa phương.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dinh-huong-phat-trien-he-thong-ket-cau-ha-tang-dong-bo-nham-dua-nuoc-ta-co-ban-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-theo-huong-hien-dai-vao-nam-2020-12616.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dinh-huong-phat-trien-he-thong-ket-cau-ha-tang-dong-bo-nham-dua-nuoc-ta-co-ban-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-theo-huong-hien-dai-vao-nam-2020-12616.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO