Định hình kinh tế rừng ở Đắk Nông
Đắk Nông đang dần hình thành các mô hình kinh tế rừng, từng bước huy động doanh nghiệp, cộng đồng tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Đắk Nông có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng. Tỉnh có trên 196.000ha rừng tự nhiên, 58.300ha rừng trồng. Những năm qua, các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng đã có những định hướng nhằm định hình, xây dựng các mô hình kinh tế rừng.
Một số mô hình kinh tế rừng bước đầu cho thấy sự phù hợp, hiệu quả. Đối với hình thức trồng rừng bằng các giống keo, sao, thông, lõi thọ tập trung, nông lâm kết hợp, trồng dược liệu dưới tán rừng... đều mang lại giá trị kinh tế.
Theo ông Võ Văn Hiều, thôn 7, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, gia đình ông nhiều năm qua đã phát triển kinh tế bằng trồng 5ha rừng với các giống như keo lai, lõi thọ.
Một số đã cho khai thác, một số ông mới trồng. Ông khẳng định, lợi ích từ kinh tế rừng mang lại là rất lớn trong bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo vệ nguồn nước, chống biến đổi khí hậu.
Mỗi ha rừng keo, sau 5 năm trồng thu về khoảng 80 - 100 triệu đồng. Còn để keo lớn 10 năm mới thu hoạch có thể thu khoảng 200 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập chưa thật sự cao nhưng cũng đủ để những người yêu rừng như ông có thể gắn bó.
Huyện Đắk Glong là một trong những địa phương của tỉnh Đắk Nông đi đầu trong công tác giao khoán đất rừng để người dân thu được nguồn lợi từ rừng.
Ví dụ như, Vườn Quốc gia Tà Đùng hiện đang giao khoán hơn 6.000ha rừng cho trên 200 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần khu rừng.
Trong đó, các hộ dân tập trung sinh sống chủ yếu ở 2 xã Đắk Som và Đắk R’măng; xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Kinh tế rừng là một trong những mũi nhọn của ngành NN-PTNT Đắk Nông hiện nay. Tỉnh phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu theo hướng bền vững, hài hòa.
Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, người dân đầu tư vào một số lĩnh vực như phát triển rừng trồng nguyên liệu giấy, phát triển cây đa mục đích. Tỉnh khuyến khích nhân rộng việc canh tác nông, lâm kết hợp theo hình thức giao khoán, hợp tác đầu tư.
Đắk Nông đã định hình được một số mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Cụ thể như về trồng rừng nguyên liệu, dược liệu dưới tán rừng, gần rừng tại huyện Đắk Glong, Krông Nô, nông lâm kết hợp như trồng mắc ca xen canh ở Tuy Đức.
Các hình thức phát triển kinh tế rừng là cơ sở quan trọng để ngành NN-PTNT tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Phát triển kinh tế rừng là cách làm Đắk Nông từng bước huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cùng tham gia.
Hoạt động này góp phần trực tiếp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Đắk Nông tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế rừng.