Nông nghiệp ở Đắk Nông ngày càng có nhiều thay đổi. Nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý đều chuyển mình theo hướng kinh tế nông nghiệp.
Thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp
Trong những năm gần đây, thuật ngữ "sản xuất nông nghiệp" đã dần nhường chỗ cho "kinh tế nông nghiệp" trong cách nói của nông dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý ở Đắk Nông.
Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là về mặt ngôn từ mà là biểu hiện của một sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy, hành động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Trước đây, khi nhắc đến nông nghiệp, người ta thường chỉ nghĩ đến việc canh tác, chăm sóc và thu hoạch mùa màng, tức là sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường và những thách thức mới mà nông dân phải đối mặt, quan niệm này dần trở nên không còn phù hợp.
Thay vào đó, cụm từ "kinh tế nông nghiệp" bắt đầu xuất hiện và dần trở nên phổ biến, thể hiện một cách nhìn mới mẻ, toàn diện hơn về vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế.
Khác với sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung vào khâu sản xuất, kinh tế nông nghiệp bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
Điều này đòi hỏi nông dân không chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi mà còn phải có khả năng quản lý, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nông dân Đắk Nông, với truyền thống canh tác lâu đời, đã từng đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cả thị trường biến động mạnh, buộc phải làm kinh tế nông nghiệp.
Trước đây, không ít nông dân đã chạy theo những loại cây trồng "nóng", dẫn đến tình trạng "trồng-chặt" diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, những bài học từ quá khứ đã khiến bà con nhận ra sự cần thiết của việc duy trì ổn định diện tích canh tác và tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Nhờ thay đổi tư duy, dù giá các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, cao su có lúc giảm mạnh, nhưng diện tích canh tác các loại cây này vẫn được người dân duy trì trong sản xuất.
Đây là một bước tiến quan trọng, giúp nông dân Đắk Nông không còn phụ thuộc quá nhiều vào sự lên xuống của thị trường, đồng thời tạo điều kiện để nông dân tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2023 là một năm thành công đối với nông dân Đắk Nông khi nhiều loại cây trồng được mùa, giá bán sản phẩm ở mức cao, đặc biệt là với các loại cây trồng có thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng...
Dù rằng một năm bội thu không thể bù đắp hết những khó khăn và vất vả mà nông dân đã trải qua, nhưng nó cho thấy tư duy và hành động của bà con trong nông nghiệp ngày càng vững vàng hơn.
Sự thành công này không chỉ đến từ yếu tố may mắn do thời tiết, thị trường mang lại mà còn là kết quả của một quá trình dài đầu tư, học hỏi và thay đổi tư duy sản xuất, cách làm nông nghiệp.
Những tín hiệu lạc quan
Nông dân Đắk Nông đã chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm, tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn, chứng nhận như hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... để bảo đảm sản phẩm của mình đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông nhiều năm qua. Diện tích và sản lượng hồ tiêu của Đắk Nông đang đứng đầu cả nước.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của Đắk Nông đã ổn định ở mức 34.000ha, với năng suất bình quân khoảng 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn.
Đắk Nông đã có 547ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ và khoảng 332ha áp dụng quy trình VietGAP. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội lớn cho Đắk Nông xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Đối với cà phê, Đắk Nông cũng đạt được những thành tựu đáng kể khi đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên về diện tích, với 141.000ha, sản lượng ước đạt gần 400.000 tấn/năm.
Cà phê Đắk Nông ngày càng được canh tác theo các quy trình nông nghiệp tốt được quốc tế công nhận. Nhiều vùng trồng cà phê tại Đắk Nông có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển các sản phẩm cà phê đặc sản có giá trị cao.
Điều này đã thúc đẩy Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt chương trình phát triển cà phê đặc sản tại huyện Đắk Mil và UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành kế hoạch phát triển cà phê đặc sản đến năm 2030.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông luôn ở mức khá, trên 5,6%/năm. Đặc biệt, năm 2023, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, với 6,76%, cao hơn mức tăng trưởng 3,83% của ngành Nông nghiệp cả nước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản Đắk Nông tăng 4.750 tỷ đồng so với năm 2020 (từ 19.150 tỷ đồng năm 2020 lên 23.900 tỷ đồng năm 2023).
Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nội tỉnh cũng có sự chuyển dịch. Cụ thể, đến năm 2023, nông nghiệp chiếm 39,96% cơ cấu kinh tế Đắk Nông.
Điều này khẳng định rằng ngành Nông nghiệp là một trong những trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế tỉnh. Thực tế, nhiều năm qua, Đắk Nông cũng xác định nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, năm 2023, không chỉ là một năm thành công về mặt kinh tế mà còn là năm tạo ra không khí phấn khởi và tin tưởng vào tương lai của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông.
Với những giá trị mà nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang nỗ lực kiến tạo, tương lai của nông nghiệp Đắk Nông chắc chắn sẽ còn nhiều hứa hẹn.
Nhìn chung, sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là một bước tiến quan trọng, giúp nông dân Đắk Nông không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe và cạnh tranh.
Con đường kinh tế nông nghiệp ở Đắk Nông đã được hình thành và hy vọng ngày càng trở nên rộng mở. Từ đó, giúp định hình lại chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời kỳ mới.