Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập các quan chức cấp cao nước này dự cuộc họp khẩn cấp ngày 27/3, một ngày trước khi diễn ra một cuộc tổng đình công và biểu tình khác nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu mà ông Macron đang nỗ lực thúc đẩy.
Theo thông báo do Văn phòng Tổng thống Pháp công bố, thay vì tiếp đón Vua Charles của Anh như dự kiến trước đó, Tổng thống Macron sẽ có cuộc họp với Thủ tướng Elisabeth Borne, các bộ trưởng nội các khác và các nhà lập pháp cấp cao tại Điện Elysee lúc 13h15 (giờ địa phương) ngày 27/3.
Tại cuộc họp, các nhà chức trách sẽ thảo luận giải pháp nhằm trấn áp tình trạng khủng hoảng do biểu tình và đình công hiện nay.
Các nguồn tin cho biết Thủ tướng Borne sẽ trình bày kế hoạch tham vấn với Tổng thống tại cuộc họp này, sau đó gửi kế hoạch đến các thành viên nội các khác.
Nếu các nghiệp đoàn đồng ý đàm phán, Thủ tướng Borne sẽ đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tác động của biện pháp cải cách lương hưu đối với nhu cầu lao động thực tế, điều kiện cho người lao động lớn tuổi và quá trình tái đào tạo.
Trước đó, bà Borne khẳng định sẵn sàng thương lượng với các nghiệp đoàn, đồng thời kêu gọi công chúng giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, những phản ứng ban đầu từ phía các nghiệp đoàn cho thấy họ vẫn duy trì lập trường cứng rắn.
Người đứng đầu nghiệp đoàn CFDT Laurent Berger cho biết sẽ chấp nhận lời đề nghị đàm phán chỉ khi chính phủ tạm hoãn việc thúc đẩy cải cách, đồng thời kêu gọi một "động thái lớn" đối với vấn đề lương hưu.
Trong khi đó, một nghiệp đoàn khác kêu gọi chính phủ "rút lại biện pháp cải cách."
Bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công liên tiếp trong thời gian gần đây, Tổng thống Macron ngày 22/3 tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo luật này, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030 và áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.
Gần 2 tuần sau khi Chính phủ Pháp đã kích hoạt quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện, các nghiệp đoàn vẫn đẩy mạnh quyết tâm phản đối và khẳng định sẽ thực hiện các cuộc biểu tình cho đến khi chính phủ nước này phải nhượng bộ.
Theo đó, các nghiệp đoàn đã kêu gọi biểu tình vào ngày 28/3. Đây là cuộc tổng đình công và biểu tình thứ 10 kể từ khi nổi lên làn sóng phản đối dự luật cải cách gây tranh cãi vào giữa tháng 1.
Theo nhà điều hành giao thông công cộng RATP ở thủ đô Paris, các tuyến đường sắt tại thành phố lớn và vùng ngoại ô sẽ bị "gián đoạn nghiêm trọng" vào ngày 28/3. Trong khi đó, gần 8.000 tấn rác thải đang bị chất đống trên các tuyến phố do nhân viên ngành vệ sinh công cộng vẫn đình công.
Cơ quan hàng không dân dụng của Pháp đã yêu cầu các hãng hàng không tại sân bay Orly ở thủ đô Paris, cũng như các sân bay Marseille, Bordeaux và Toulouse, hủy 20% các chuyến bay dự kiến cho ngày 28 và 29/3.
Công nhân tham gia đình công bên ngoài một nhà máy của TotalEnergies tại Donges, miền tây nước Pháp, ngày 17/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người phát ngôn của tập đoàn dầu khí TotalEnergies cho biết, nhà máy Gonfreville của tập đoàn đã tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đình công.
Nhà máy có sản lượng 240.000 thùng/ngày này là nhà máy lớn nhất của TotalEnergies. Các nhân viên đã được huy động tối đa để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu, kể cả tại các sân bay của Paris.
Trong cuộc biểu tình được cho là bạo lực nhất kể từ tháng 1, tổng cộng 457 người đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, trong khi 441 nhân viên an ninh bị thương khi xung đột với những người biểu tình quá khích./.