Điều gì làm nên chất lượng đặc biệt của lúa gạo Buôn Choáh?
Lúa gạo Buôn Choáh (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã được người tiêu dùng công nhận là sản phẩm đặc biệt thơm ngon, mềm dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao mà ít nơi nào có được. Phóng viên Dân Việt đã "giải mã" những ưu đãi đặc biệt từ thiên nhiên và cách làm của người nông dân trên vùng đất này.
Gạo ngon nhờ dung nham núi lửa
Buôn Choáh là xã vùng sâu vùng xa nằm ở phía Bắc của tỉnh Đắk Nông, nằm nép mình bên dòng sông Krông Nô, dưới chân ngọn núi lửa Nâm Blang, thuộc quần thể công viên địa chất toàn cầu duy nhất của nước ta.
Cánh đồng lúa xã Buôn Choáh là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất thời tiết, khí hậu hiền hòa, cùng với dung nham núi lửa phun trào đã tạo nên sự màu mỡ đặc biệt. Nơi đây có nhiều khoáng chất, ngoài ra còn được bồi đắp phù sa liên tục bởi dòng sông Krông Nô huyền thoại.
Hiện cánh đồng xã Buôn Choáh có diện tích gieo trồng khoảng 677ha, với các giống lúa như RVT, ST24, ST25... năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/vụ và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ những năm trước, tại các cánh đồng của xã đã được người dân đưa nhiều giống lúa khác nhau vào canh tác, nhưng được đánh giá cao là giống lúa ST24 có khả năng kháng và chống chịu sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng gạo ngon được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm lúa gạo Krông Nô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký số 318100 ngày 12/4/2019.
Tuy nhiên, bà con còn sản xuất theo dạng nhỏ lẻ, chưa có quản lý, đầu ra còn bấp bênh. Nắm được lợi thế và những mặt còn hạn chế, các hộ dân canh tác lúa gạo trên cánh đồng Buôn Choáh đã vận động bà con cùng nhau thành lập Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh và Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh.
Các hợp tác xã ra đời nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cùng bà con thống nhất các nội dung, kế hoạch sản xuất, liên kết với các hộ nông dân, đối tác bên ngoài tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường toàn cầu.
Các thành viên hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật sản xuất dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phối hợp điều tiết thủy lợi, đảm bảo đúng lịch thời vụ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đứng ra thu mua sản phẩm của bà con.
Sự khác biệt với các loại gạo thường
Ông Đinh Đăng Linh – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh cho biết, Hợp tác xã đã ký liên kết sản xuất lúa gạo với khoảng 115 hộ nông dân với diện tích ký liên kết, sản xuất khoảng 178 ha, sản lượng hàng năm trên 2.500 tấn.
Năm 2020, sản phẩm gạo ST 24 Krông Nô của Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm gạo Buôn Choáh của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Hiện nay, các hợp tác xã ở Buôn Choáh đang sản xuất lúa gạo, bán ra thị trường với 2 loại sản phẩm là lúa tươi và gạo thành phẩm. Lúa tươi được các đại lý, thương lái thu mua trực tiếp tại cánh đồng, còn gạo thành phẩm được hợp tác xã thu hoạch, phơi sấy và chế biến. Hiện nay, sản phẩm gạo ST 24 Krông Nô và gạo Buôn Choáh đã có mặt tại một số hệ thống cửa hàng, siêu thị và đa số các đại lý gạo của tỉnh.
Điểm đặc biệt của sản phẩm gạo ST24 là khi nấu chín có độ mềm dẻo và mùi thơm tự nhiên, càng nhai càng ngọt, đặc biệt khi để nguội cơm vẫn mềm, không bị khô cứng. Gạo ST24 có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao như: Gluxit, protein và các loại khoáng chất khác. Ngoài ra điểm đặc biệt của gạo ST24 là có hàm lượng protein tới 10% (cao hơn các loại gạo thường), giúp tạo cảm giác no trước khi đầy bụng, khá phù hợp cho những người mắc bệnh về tiểu đường... không chỉ được người tiêu dùng địa phương, các tỉnh thành trong nước ưa chuộng mà gạo ST 24 còn có giá trị xuất khẩu.
Với danh hiệu đạt được, gạo ST24 tiếp tục viết nên câu chuyện thành công của hạt gạo Việt Nam nói chung và hạt gạo ST24 Krông Nô nói riêng trong việc nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm.
Ngày 26/1/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định công nhận Vùng sản xuất Lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Buôn Choáh (bao gồm các thôn: Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Sơn, Cao Sơn và Buôn Choáh).
Vùng sản xuất có quy mô 538,77 ha, với 408 hộ nông dân và 2 Hợp tác xã (Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh và Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh). Đây là một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất của tỉnh.