Kinh tế

Điểu Drây thoát nghèo nhờ cây mắc ca

Kim Ngân 20/03/2023 05:00

Ông Điểu Drây ở bon Prăng I, xã Quảng Trực (Tuy Đức) là một trong những hộ đầu tiên trồng cây mắc ca tại địa bàn. Đến nay, nhờ cây trồng này mà gia đình ông đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Trước đây, với diện tích trên 2 ha đất đồi, gia đình ông Điểu Drây chủ yếu trồng lúa rẫy, cà phê. Do quen với tập quán canh tác truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp. Gia đình lại đông con nên cái nghèo, cái khổ luôn đeo bám.

dsc_0976(1).jpg
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn ông Điểu Drây (người đứng bên phải) kỹ thuật tỉa cành mắc ca

Năm 2010, từ nguồn vốn của chương trình khuyến nông, gia đình ông Điểu Drây nhận trồng gần 1 ha mắc ca. Tham gia chương trình, ngoài việc tham dự các lớp tập huấn, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông còn được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. 

Theo ông Điểu Drây, từ khi xuống giống, đến năm thứ 5, mắc ca bắt đầu cho thu bói. Đến nay, vườn mắc ca của gia đình ông đã cho thu chính được 7 vụ.

“Cây mắc ca phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai của địa phương. Đặc biệt, mắc ca còn phát triển tốt trên những vùng đất đồi, khan hiếm nguồn nước. Vì vậy, gia đình tôi phát triển kinh tế theo mô hình nông lâm kết hợp”, ông Điểu Drây cho biết.

Cũng theo ông Điểu Drây, mắc ca là loại cây lâm nghiệp, chế độ chăm sóc đơn giản hơn so với cà phê, hồ tiêu. Loại cây này còn phát triển tốt trên đất đồi, thiếu nước nên thực sự trở thành cây trồng chủ lực của Quảng Trực. Bên cạnh đó, việc chăm sóc loại cây này tương đối dễ nên phù hợp với điều kiện canh tác ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. 

Việc đưa cây mắc ca về trên vùng đất Quảng Trực đã giúp bà con cải thiện thu nhập, từng bước thoát nghèo. Đến nay, cây mắc ca không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho bà con mà còn giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Ông Điểu Drây chia sẻ thêm, cây mắc ca dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, đặc biệt nếu trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu thì thu nhập còn tăng thêm. Với hơn 1 ha mắc ca, mỗi năm, ông Điểu Drây thu được khoảng 1 tấn quả. Với giá bán dao động từ 90 - 120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 80 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng mắc ca, ông Điểu Drây trồng thêm cà phê, chăn nuôi bò. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình ngày một ổn định. Đây là kết quả của chính sách tạo sinh kế hướng tới nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tuy Đức.

dsc_0963(1).jpg
Vườn mắc ca giúp ông Điểu Drây có thu nhập ổn định

Theo ông Điểu Drây, cây mắc ca có thể cho thu nhập một năm 2 lần. Đầu ra của mắc ca rất thuận lợi, ổn định. Thu hoạch đến đâu, các công ty thu mua đến gom hết. So với các loại cây trồng khác, cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Những năm qua, các cấp, ngành hết sức quan tâm đến việc canh tác mắc ca của bà con tại địa bàn. Hàng năm, ông Điểu Drây và người dân trong bon thường xuyên được tham gia từ 1 – 2 lớp tập huấn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc như kỹ thuật tỉa cành, phòng bệnh, bón phân…

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, mắc ca là loại cây trồng phát triển phù hợp tại nhiều xã trên địa bàn huyện. Trong đó, tại xã Quảng Trực, mắc ca đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào thiểu số trên địa bàn.

Hiện nay, tại xã Quảng Trực có rất nhiều hộ nông dân trồng cây mắc ca. Trong số đó có trên 50% là đồng bào M'nông. Tổng diện diện tích mắc ca tại xã Quảng Trực đạt gần 600 ha. Để người dân ổn định sản xuất, chính quyền, ngành chức năng đã và đang hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con chăm sóc diện tích hiện có.

Bên cạnh đó, địa phương vận động người dân phát triển thêm diện tích mắc ca trên diện tích đất trống; khuyến khích bà con trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn trái. Qua đó, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và giúp nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Điểu Drây thoát nghèo nhờ cây mắc ca
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO