Điểu Bel - Bí thư Chi bộ mẫu mực của bon Za Lú A
Ông Điểu Bel, bon Za Lú A, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức không chỉ phát huy tốt vai trò của Bí thư Chi bộ, mà còn luôn nỗ lực truyền lửa đam mê cho các thế hệ trẻ về văn hóa dân tộc.
Đồng hành với thanh niên
Năm 2002, ông Điểu Bel vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với vai trò của người đảng viên, ông luôn gương mẫu trong tất cả mọi công việc của bon, địa phương. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, ông tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm 2006, ông Điểu Bel được tổ chức, đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Từ khi trở thành người đứng đầu bon, ông Điểu Bel ý thức được mình phải luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm với tổ chức, với Nhân dân, thực sự là gương sáng cho bà con noi theo. Đặc biệt, ông Điểu Bel dành sự quan tâm nhiều đến thế hệ trẻ. Ông Điểu Bel cho biết: “Tôi luôn dành nhiều thời gian để tham gia sinh hoạt chi đoàn. Từ đó tuyên truyền, hướng dẫn thanh niên những điều hay lẽ phải, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tôi nói chuyện để đoàn viên hiểu về lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tiếp thêm động lực, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đoàn, của Đảng, góp sức xây dựng bon giàu đẹp”.
Chị Lâm Thị Sang, Bí thư Chi đoàn bon Za Lú A cho biết: “Qua tuyên truyền, nhắc nhở của Bí thư Chi bộ, đoàn viên, thanh niên trong bon đã trưởng thành hơn. Hiện nay, đa số thanh niên chăm lo làm kinh tế, tránh xa tệ nạn xã hội, nêu cao cảnh giác, không để kẻ xấu xúi giục, lôi kéo. Nhiều thanh niên đã có chí hướng phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đoàn, của Đảng”.
Theo ông Điểu Bel, đoàn viên, thanh niên là đội ngũ kế cận của bon. Vì vậy, khi đoàn viên, thanh niên được nâng cao nhận thức, chăm lo làm ăn thì bon sẽ càng giàu mạnh. Cũng từ đó, chi bộ kịp thời phát hiện những đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng tạo nguồn cho Đảng. “Chi bộ luôn xác định, đoàn viên là nguồn quan trọng để phát triển đảng viên, tạo sức mạnh cho Đảng. Do đó, chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích thanh niên tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương để rèn luyện, nêu cao trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Đoàn viên, thanh niên ngày càng trưởng thành hơn về nhận thức, hành động, trở thành "Đội dự bị" tin cậy của Đảng”, ông Điểu Bel cho hay.
Với sự quan tâm đó, mỗi nhiệm kỳ, Chi bộ bon Za Lú A đều phát triển từ 1-2 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 11 người.
Nặng lòng với văn hóa dân tộc
Là người tâm huyết, dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông Điểu Bel luôn động viên bà con bon phải cố gắng giữ gìn nét đẹp truyền thống của bon. Hàng tuần, ông Điểu Bel luôn dành thời gian để hướng dẫn Câu lạc bộ Cồng chiêng bon Za Lú A luyện tập đánh chiêng.
Theo ông Điểu Bel, ngày xưa, hễ là người con M’nông thì hầu như ai cũng biết đánh chiêng. Nhưng qua thời gian, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông có phần mai một, hiện bon còn rất ít người biết đánh chiêng, dệt thổ cẩm. Vì vậy, ông Điểu Bel không những thường xuyên giữ cho nhịp chiêng ngân vang mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm trong truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ.
Ông Điểu Bel cho biết: “Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, bản sắc riêng. Do đó, giữ gìn nét đẹp của dân tộc chính là cách để nhớ về cội nguồn của mình. Dù có bận, có mệt, tôi vẫn luôn sắp xếp ổn thỏa để chỉ dạy cho các cháu cách đánh chiêng. Mỗi khi hòa mình vào tiếng chiêng, nhìn nhịp gõ từ đôi bàn tay các cháu, mình lại thấy vui vì bản sắc dân tộc sẽ được lưu truyền”.
Anh Điểu Diệp, thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng bon Za Lú A cho biết: “Trước đây, tôi thường thấy ông, bà đánh chiêng. Nhưng lúc ấy, mình còn mơ hồ và không cảm nhận được cái hay, cái riêng của chiêng. Nhưng thời gian gần đây, khi tham gia vào câu lạc bộ, trực tiếp nghe bác Điểu Bel giảng dạy và tự thực hành, tôi mới hiểu được vì sao chiêng lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào mình. Từ đó, tôi siêng năng học đánh chiêng và hy vọng không xa sẽ có dịp để biểu diễn cho bà con dân tộc mình nghe”.
Còn chị Thị Luôn, thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng bon Za Lú A cho biết: “Mình đã được hướng dẫn và làm quen với dệt thổ cẩm. Nay lại được học đánh chiêng nên mình rất vui. Việc đánh chiêng nhìn thì đơn giản, nhưng để thành bài, có ý nghĩa thì phải tập luyện rất lâu. Càng luyện tập, mình càng yêu thêm nét văn hóa tinh thần của dân tộc”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tân Nguyễn Văn Quế, ông Điểu Bel là một trong những bí thư chi bộ bon luôn gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Mỗi nhiệm vụ địa phương giao, dù mới hay khó, ông Điểu Bel luôn cố gắng làm hết sức, hết lòng, nhất là luôn nỗ lực xây dựng tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong bon, trong dân. Đặc biệt, là người có uy tín của đồng bào M’nông, ông không chỉ xây dựng được khối đoàn kết toàn dân tộc mà còn là người dẫn dắt thế hệ trẻ ở địa phương sống có lý tưởng, có mục đích.