Biết rủi ro, vẫn làm
Thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Địa phương hiện có 22.458hasầu riêng(diện tích cho thu hoạch trên 9.600ha), chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả. Riêng năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn.
3 năm qua là thời điểm diện tích trồng sầu riêng tăng chóng mặt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nhiều khu vực, bà con sẵn sàng chặt bỏ những gốc cà phê đã già cỗi, chuyển đổi sang trồng sầu riêng để mong sớm có lãi cao thay vì đợi chờ giá loại nông sản truyền thống của địa phương tăng một cách ì ạch.
Sầu riêng vẫn đang cho người nông dân Đắk Lắk nguồn thu nhập ổn định. Hiện Đắk Lắk có 22.458hasầu riêng(diện tích sầu riêng đang cho trái là trên 9.600ha). Diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả. Ảnh: Bảo Trung
Bà L.T.H (xã Ea Tóh, huyện Krông Năng) tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận: "Tôi đã chấp nhận chặt bỏ 5.000m2 cà phê già cỗi để thay bằng sầu riêng, nhiều bà con trong vùng cũng làm cách tương tự. Giá sầu riêng tăng mạnh trong những năm qua khiến không ít người như tôi chấp nhận rủi ro cung vượt cầu để đầu tư vào loại nông sản này.
Trường hợp của tôi vẫn còn ít hơn những người khác, có nông dân bỏ tới 3 đến 4ha cà phê, tiêu để chuyển sang trồng sầu riêng. Trong làm ăn đã không triển khai thì thôi, đã đầu tư thì tất nhiên phải mạo hiểm, rủi ro và gia đình tôi chấp nhận".
Người dân đốn Đắk Lắk chặt hạ cà phê, trồng sầu riêng. Ảnh: Bảo Trung
Tương tự như bà H, nhà anh P.V.D (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk) cho rằng, địa phương vốn là vựa sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung với hơn 4.000ha. Vụ mùa năm nay dù chưa vào lúc thu hoạch cao điểm nhưng giá đã có lúc lên tới 90.000 đồng/kg.
Đây là mức giá cao đến khó tin và nhiều nông dân mừng còn hơn nhặt được vàng. Nhiều người đã tính đến chuyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng để chờ vụ mùa tới lãi thêm được nhiều hơn.
Không phải người dân không biết đến việc nguồn cung vượt cầu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nhưng trước nguồn lợi nhuận quá lớn nên cả anh D và nhiều bà con khác vẫn chấp nhận đánh cược, được ăn lớn nhưng "ngã" thì chưa chắc đã mất trắng.
Cà phê vẫn là nông sản chủ lực
Vùng Tây Nguyên nói chung và cả tỉnh Đắk Lắk nói riêng dù người nông dân có trồng bất kỳ loại nông sản (dài ngày) nào thì thực tế vẫn chỉ ra rằng cà phê vẫn là mặt hàng chủ lực không thể thay thế được. Trước tình hình người dân vì lợi nhuận, bất chấp chuyển đổi cây trồng bằng mọi giá thì vẫn có những người kiên định, có những hướng đi riêng, trọn tình yêu với loại nông sản truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lương (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) - tâm sự: "Gia đình có khoảng 2ha cà phê dù nhiều người đã khuyên chuyển sang trồng sầu riêng để có thu nhập tốt hơn nhưng tôi nhất quyết không chịu.
Tôi đã từng lâm vào cảnh gần như mất trắng vì hồ tiêu cách đây 4 năm nên giờ đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc. Chúng ta phải giữ vững lập trường, giờ giá cà phê vẫn neo ở mức ổn định, giúp gia đình có thu nhập cứng mỗi năm thì dại gì chặt bỏ để trồng loại nông sản khác mà mình vốn chẳng có kinh nghiệm chăm sóc".
Tiến sĩ Đặng Bá Đàn - Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng: Quan điểm của Bộ xác định cà phê vẫn là cây chủ lực của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Việc phát triển cây sầu riêng cũng là tốt, nhưng tùy thuộc vào thời điểm, cần có đánh giá kỹ lưỡng, xác định vùng trồng thích hợp.
Việc phát triển cây sầu riêng một cách tự phát, không có tính toán là rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến đất đai, môi trường hay nguồn cung vượt cầu... Về mặt chiến lược phát triển nông sản của quốc gia, tỉnh Đắk Lắk vẫn là địa phương được chọn để trồng, phát triển cây cà phê.