Diện tích canh tác dâu tằm của lâm đồng đạt hơn 10.000 ha

10/04/2024 23:52

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm, diện tích dâu tằm đang dần được phục hồi, với diện tích canh tác đạt hơn 10.200 ha.

Diện tích canh tác dâu tằm của lâm đồng đạt hơn 10.000 ha ảnh 1

Người dân tự giác đưa vật nuôi đến các cơ sở tiêm phòng vắc-xin chống bệnh dại.

Theo đánh giá, các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất; mô hình nuôi tằm con được xây dựng và nhân rộng; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong trồng dâu, nuôi tằm được phát triển và mở rộng, với 11 chuỗi liên kết, 580 hộ tham gia... đã góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cho người dân. Năm 2023, sản lượng kén tằm toàn tỉnh đạt hơn 16.500 tấn, với giá kén dao động từ 180 đến 210 nghìn đồng/kg, góp phần phát triển ngành dâu tằm có sự tăng trưởng ổn định.

Đắk Nông đóng cửa mỏ khai trường đã khai thác bô-xít

Hội đồng thẩm định Đề án đóng cửa mỏ do Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang làm trưởng đoàn vừa làm việc với Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV về việc đóng cửa mỏ đối với khai trường khai thác bô-xít đã hoàn thành.

Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đã thuê 481,22 ha/3.074 ha đất đã được cấp phép khai thác khoáng sản. Hiện đơn vị đã khai thác 425,8 ha, hoàn thành 368,44 ha và trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường 123,23 ha, trong đó diện tích đã trồng cây trong khu vực đề nghị đóng cửa mỏ là 69,18 ha.

Khu vực đóng cửa mỏ 130 ha thuộc phần diện tích đã khai thác và hoàn thành tại địa phận các xã Đắk Wer và Nghĩa Thắng. Trong đó, 111,7 ha có trữ lượng đã khai thác, hoàn thành và 18,3 ha không có trữ lượng khai thác, thuộc phần rìa ngoài thân quặng và hồ nước. Đối với khu vực này, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Cụ thể: phần diện tích đã trồng cây 69,18 ha; diện tích tuyến đường giao thông chăm sóc cây 24,39 ha; diện tích hồ chứa nước 23,61 ha; diện tích chưa bị tác động bởi dự án 12,82 ha (thuộc phần diện tích không có trữ lượng)...

Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Khoáng sản Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện nay cơ sở pháp lý cho việc đóng cửa mỏ, trả một phần diện tích cho địa phương đã cơ bản hoàn thành. Đối với đặc thù khai thác bô-xít, thời gian khai thác ngắn, diện tích chỉ có khoảng từ 5-7m bề mặt. Do đó, vấn đề phục hồi, cải tạo trả lại địa phương để phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết. Đặc biệt, TKV sớm làm việc với tỉnh Đắk Nông để có quy hoạch tổng thể cho hơn 3.000 ha được cấp phép khai thác. Các đơn vị cần phải có trách nhiệm cao nhất, chạy đua với thời gian sớm hoàn thiện thủ tục, để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường làm hồ sơ đóng cửa mỏ, ra quyết định trả về cho địa phương quản lý…

Gia Lai tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại

Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y AMAVET vừa hỗ trợ 10.000 liều vắc-xin dại Biorabies để tiêm phòng đàn chó, mèo tại 2 huyện Chư Sê và Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Trong đó, huyện Chư Sê được hỗ trợ 8.000 liều và huyện Đức Cơ 2.000 liều.

Ngày 2/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 754/UBND-NL về việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại cho người khi bị động vật cào, cắn. Công văn cũng yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả bố trí kinh phí mua vắc-xin, tiến độ triển khai việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trong năm 2024 về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/4 để tổng hợp báo cáo tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Diện tích canh tác dâu tằm của lâm đồng đạt hơn 10.000 ha ảnh 1

Người dân tự giác đưa vật nuôi đến các cơ sở tiêm phòng vắc-xin chống bệnh dại.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã có 14 ca tử vong do bệnh dại trên người; 3 tháng đầu năm 2024 có 2 ca tử vong do bệnh dại.

Giá cà-phê vượt mốc 100.000 đồng/kg

Thời gian gần đây, giá cà-phê liên tục tăng mạnh, đến ngày 6/4 giá cà-phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã đạt trên 102.000 đồng/kg. Nếu tính từ đầu tháng 1 đến nay, giá cà-phê đã tăng khoảng 40.000 đồng/kg, đây là mức tăng kỷ lục. Giá tăng cao khiến nhiều hộ dân vui mừng vì đã chốt giá bán tốt, có nguồn lợi nhuận và vốn tái đầu tư cây cà-phê.

Trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên thì Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà-phê lớn nhất với hơn 213.000 ha, sản lượng bình quân đạt trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cà-phê có chứng nhận đạt hơn 30.317 ha, tổng sản lượng đạt hơn 100.065 tấn, với 23.291 hộ tham gia. Theo Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột, nguyên nhân giá cà-phê thời gian gần đây tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung trong nước, lượng tồn kho vụ trước chuyển qua quá thấp so với mọi năm. Ngoài ra, cước phí vận tải hàng hải tăng cao, tạo cơ hội cho giới đầu cơ trên sàn giao dịch hàng hóa thế giới trữ hàng, đẩy giá để kiếm lời…

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dien-tich-canh-tac-dau-tam-cua-lam-dong-dat-hon-10000-ha-post804100.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dien-tich-canh-tac-dau-tam-cua-lam-dong-dat-hon-10000-ha-post804100.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Diện tích canh tác dâu tằm của lâm đồng đạt hơn 10.000 ha
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO