Kinh tế

Điện mặt trời không còn... "béo bở"?

Lê Phước 04/01/2024 06:45

Tiềm năng điện mặt trời (ĐMT) ở Đắk Nông là khá lớn, nhưng việc đầu tư loại hình này mấy năm qua đã chững lại.

Tiềm năng ĐMT ở Đắk Nông được đánh giá là khá lớn. Theo số liệu Viện Năng lượng lập trong Quy hoạch điện VIII, tiềm năng kỹ thuật phát ĐMT mặt đất của Đắk Nông là trên 59.000 MWp.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Đắk Nông quy hoạch 3 dự án ĐMT với tổng công suất 142,4 MWp. Dự kiến các dự án này đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 213 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án ĐMT đã hoàn thành và đi vào vận hành. Dự án ĐMT Cư Jút và ĐMT Trúc Sơn (đều ở huyện Cư Jút) có tổng công suất 106,4 MWp đều đã hoàn thành và phát điện năm 2019. Riêng dự án ĐMT Đức An, huyện Đắk Song, đã được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện các thủ tục để xây dựng công trình.

anh-1-cu-jut-dmt.jpg
Dự án ĐMT Cư Jút là 1 trong 2 dự án ĐMT ở Đắk Nông hoàn thành vào năm 2019

Tại Đắk Nông 1.631 hệ thống ĐMT mái nhà đã có hợp đồng mua bán điện. Các hệ thống ĐMT này có tổng công suất trên 375 MWp, đều được lắp đặt và vận hành trước 31/12/2020. Các hệ thống ĐMT này có công suất nhỏ hơn 1MW nên không phải thực hiện theo quy hoạch.

Theo Sở Công thương Đắk Nông, 2 dự án ĐMT và các hệ thống ĐMT mái nhà đang mang lại sản lượng điện hàng năm khoảng 660,7 triệu kWh. Sản lượng này chiếm tỷ trọng 28,42% nguồn cung cấp điện trên địa bàn Đắk Nông.

Tuy nhiên, từ sau thời điểm năm 2020 tới nay, ở Đắk Nông không có dự án ĐMT nào được đầu tư xây dựng. Việc lắp đặt ĐMT mái nhà cũng khá hiếm. Nguyên nhân chủ yếu được ngành chức năng đánh giá là… thiếu cơ chế.

Đại diện Sở Công thương cho biết, tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam. Quyết định nêu rõ, các dự án ĐMT nối lưới và ĐMT mái nhà hoàn thành trước 31/12/2020 có đủ các điều kiện cần thiết thì được mua lại lượng điện dư thừa với giá ưu đãi.

anh-2-dien-mat-troi-mai-nha.jpg
Các hệ thống ĐMT có công suất dưới 1MW hoàn thành trước 31/12/2020 được mua điện với giá ưu đãi

Trong đó, dự án ĐMT mặt đất được mua với giá 1.644 đồng/kWh. Dự án ĐMT nổi (đầu tư trên diện tích mặt nước) được mua với giá 1.783 đồng/kWh. Hệ thống ĐMT mái nhà được mua với giá cao nhất, 1.943 đồng/kWh.

Cơ chế này đã tạo ra “cuộc đua” trong việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà ở Đắk Nông. Cả ngàn hệ thống ĐMT mái nhà đã hoàn thành, ký hợp đồng và bán lại lượng điện dư thừa khá lớn cho điện lực. Chỉ tính riêng các hệ thống ĐMT mái nhà ở Đắk Nông đang vận hành đã mang lại sản lượng khoảng 500 triệu kWh/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2020 tới nay, việc triển khai các dự án ĐMT, hệ thống ĐMT mái nhà ở Đắk Nông bị chững lại. Hiện Chính phủ chưa có cơ chế liên quan đến việc mua bán điện đối với những dự án ĐMT, hệ thống ĐMT mái nhà hoàn thành sau thời điểm 31/12/2020. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án này không thể phát điện để bán lấy tiền.

Qua thống kê, Công ty Điện lực Đắk Nông xác định có 4 hộ dân lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà sau năm 2020. Cả 4 hộ dân này lắp đặt ĐMT sau công tơ của khách hàng sử dụng điện, có liên kết với lưới điện quốc gia. Trong đó, có 2 hệ thống có lắp đặt thiết bị ngăn phát điện lên lưới.

anh-3-dien-mat-troi-mai-nha.jpg
Việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà ở Đắk Nông sau năm 2020 là rất hiếm

Theo đại diện Công ty Điện lực Đắk Nông, việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMT sau năm 2020 là rất hiếm. Bởi phần nhiều các hộ gia đình sử dụng chỉ vài trăm ngàn đồng tiền điện mỗi tháng và chủ yếu sử dụng vào chiều tối. Trong khi đó, lượng điện sản sinh từ ĐMT chủ yếu vào ban ngày. Chi phí lắp đặt ĐMT hiện từ 12 - 15 triệu đồng/kWP là không rẻ.

“Không thể bán được điện dư thừa, sản lượng ĐMT phát sinh từ hệ thống không có giá trị. Chưa kể, họ phải đối mặt với nguy cơ về cháy nổ, mất an toàn công trình…”, đại diện Công ty Điện lực Đắk Nông cho hay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điện mặt trời không còn... "béo bở"?
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO