Đời sống

Điện mặt trời áp mái giá 0 đồng và mục tiêu phát thải ròng về 0

Nguyễn Huy Viện 19/12/2023 08:00

Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà (MTMN) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhiều ngành và doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Điểm đáng chú ý nhất là quy định, tổ chức, cá nhân khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện MTMN được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không đầu tư kinh doanh điện, hoạt động kinh doanh mua bán điện, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Loại hình sản phẩm này được gọi là “tự sản, tự tiêu”.

Dự thảo cũng quy định cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư thừa của hệ thống điện MTMN vào hệ thống điện. Trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng.

Với quy định như vậy, cơ chế thị trường không được áp dụng đối với những doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển nguồn điện MTMN. Đồng nghĩa, nguồn điện có tiềm năng to lớn này bị hạn chế trong việc tham gia thực hiện cam kết của Việt Nam về mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

dien-mat-troi-mai-nha-2-883-823.jpg
Điện mặt trời áp mái đang được đề xuất bán với giá 0 đồng vào hệ thống điện.

Cơ quan soạn thảo lý giải, nguyên nhân những doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển nguồn điện MTMN chưa được vận hành theo cơ chế thị trường là do chưa có hành lang pháp lý.

Hơn nữa, do nguồn điện tự sản, tự tiêu chưa có quy định hoặc không thuộc đối tượng phát triển điện lực trong Luật Điện lực. Vì vậy, nội hàm “tự sản, tự tiêu” được đề xuất để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn, dễ quản lý và kiểm tra, giám sát các chủ thể tham gia.

Trong khi đó, trước đây các nhà đầu tư có thể tự sử dụng điện MTMN hoặc bán điện cho tổ chức, cá nhân ngoài EVN với điều kiện cả nguồn - tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Hơn nữa, mô hình điện MTMN cũng từng được xem xét ưu tiên phát triển.

Để bảo vệ những điểm trên đây, Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về phát triển điện MTMN cho rằng, việc đề ra cơ chế đối với hệ thống nguồn điện MTMN liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện ra bên ngoài xuất phát từ Quyết định số 13/2020.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021, EVN không ký hợp đồng mua bán điện từ nguồn điện MTMN vận hành, phát điện sau ngày 31/12/2020. Lý do, hiện không có cơ sở thực hiện thỏa thuận đấu nối nên nhiều doanh nghiệp muốn phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng không thể đấu nối.

Xin hỏi, Quyết định số 13/2020 là do cơ quan nào tham mưu ban hành? Vì lý do gì mà đến nay các cơ quan hữu quan chưa thống nhất được giá điện của hàng loạt nguồn điện mặt trời và điện gió?

ADQuảng cáo

Cần nhắc lại tình huống, miền Bắc và miền Trung thiếu điện trầm trọng trong mùa hè năm 2023 trong khi có tới 4.700 MW điện mặt trời và điện gió không được hòa lên lưới điện Quốc gia. Mà nguồn điện sạch này có công suất gần gấp 3 lần công suất Thủy điện Hòa Bình.

Sự bất hợp lý đó dẫn đến thiếu điện kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đời sống của người dân, hoạt động của của bộ máy hành chính và các dịch vụ công ...

Bộ Công thương, cơ quan chủ trì dự thảo viện dẫn tiếp, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về điện MTMN tự sản tự tiêu nên chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để Bộ tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện chính sách mới.

Lẽ ra, cần khắc phục những điểm nghẽn trong Quyết định số 13/2020 để tạo thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất, cung ứng nguồn điện sạch, thay vì dựa vào những quy định bất hợp lý của Quyết định này để tiếp tục đề ra những quy định bất hợp lý đối với nguồn điện MTMN.

Quy hoạch Điện VIII, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà.

Còn theo ông Đào Xuân Lai Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), để thực hiện được cam kết tại COP28 và mục tiêu Quy hoạch điện VIII (mức phát thải ròng bằng 0), Việt Nam cần nguồn tài chính để đầu tư các nguồn điện đến năm 2030 là 134,5 tỉ USD.

Trước một thực tế như vậy, lẽ ra cần có những chính sách tháo gỡ vướng mắc về cơ chế mua điện MTMN dư thừa của doanh nghiệp và người dân để khuyến khích phát triển nguồn điện này, góp phần giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển nguồn điện tái tạo.

Nếu tháo gỡ được vướng mắc này, sẽ mang đến được nhiều hệ quả tích cực như tạo cho doanh nghiệp và người dân thêm nguồn thu nhập, đi cùng với nó là khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nguồn điện MTMN, góp phần khắc phục được tình trạng thiếu điện vào mùa hè.

Không những vậy, Nhà nước giảm được gánh nặng tài chính trong đầu tư năng lượng sạch để thực hiện những cam kết của Chính phủ mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đến nay chỉ mới 20% tiềm năng điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam được khai thác cho nên sẽ còn dư địa rất lớn để phát triển, khai thác.

Đã đành là ngành điện nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý của nhiều cán bộ đang chùng lại. Nhưng việc đề ra các cơ chế, chính sách tốt cho thị trường vận hành trơn tru là rất cần thiết. Vì thế, cần vượt qua tâm lý “không quản được thì cấm”.

Nhà nước có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân lắp đặt, khai thác, sử dụng, kinh doanh nguồn điện này để góp sức cùng với Nhà nước thực hiện thành công đưa phác thải ròng về 0 mà ở đó ai cũng được lợi.

ADQuảng cáo
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dien-mat-troi-ap-mai-gia-0-dong-va-muc-tieu-phac-thai-rong-ve-0-2227423.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện mặt trời áp mái giá 0 đồng và mục tiêu phát thải ròng về 0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO