Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Hải Linh| 25/10/2023 12:00

Sáng 25/10, VCCI đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.

Tận dụng công nghệ để gia tăng năng lực cạnh tranhTăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu qua phân phối hàng hóa và tiếp thị

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…

Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số"

Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho hay: Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực. Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.

Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet và mạng xã hội rất cao…

Phát biểu tại Phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số”, lãnh đạo VCCI thông tin.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI

Với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022 kinh tế số đóng góp 14,26% GDP. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52 - NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Trong khi đó, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…

Ngoài những yếu tố nội tại, theo khảo sát của VCCI, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ. Đó là khó khăn trong tiếp cận tín dụng, khó khăn từ thị trường, những phiền hà trong thủ tục hành chính chưa được giải quyết dứt điểm, môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu tạo ra những rủi ro và bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại.

Tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Hải Linh

Theo congthuong.vn
https://congthuong.vn/dien-dan-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-trong-nen-kinh-te-so-281013.html
Copy Link
https://congthuong.vn/dien-dan-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-trong-nen-kinh-te-so-281013.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO