Đường lối chiến lược đúng đắn
Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thể hiện trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối chính trị, quân sự; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta trong cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của dân tộc. Sức mạnh trong việc vận dụng tài tình và sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và cách mạng, về lãnh đạo đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang.
Một góc TP. Ðiện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu |
Dưới khẩu hiệu vì độc lập cho dân tộc, vì ruộng đất cho nông dân, Đảng đã động viên toàn dân, đoàn kết tất cả các giai cấp, đoàn kết các dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nông, qua đó đã động viên được lực lượng to lớn của toàn dân tham gia cuộc chiến tranh giải phóng. Cùng với đó, Đảng đã xây dựng lực lượng vũ trang của Nhân dân gồm ba thứ quân: Chủ lực, địa phương và dân quân; phương châm tác chiến đi từ chiến tranh du kích tiến dần lên chiến tranh chính quy...
Với kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng và lãnh đạo đấu tranh vũ trang được tích lũy và tinh thần triệt để cách mạng của một Đảng tiên phong, quyết tâm tiêu diệt địch đưa kháng chiến đến thắng lợi, Trung ương Đảng đã phân tích tình hình một cách khách quan và khoa học, đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, khả năng chiến đấu to lớn của quân đội và Nhân dân ta.
Trên cơ sở phân tích một cách toàn diện cục diện chiến sự toàn quốc, phân tích đúng đắn chỗ mạnh rất lớn và những nhược điểm rất căn bản của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung ương đã hạ quyết tâm chiến lược: Tập trung toàn lực tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, đó là một quyết tâm chiến lược vô cùng sáng suốt để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tất cả vì tiền tuyến
Nhân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, hết lòng phục vụ tiền tuyến, đoàn kết chiến đấu bên cạnh bộ đội, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Khắp nơi trong nước, ở chiến trường chính cũng như ở các chiến trường phối hợp, ở vùng tự do cũng như ở vùng sau lưng địch, Nhân dân ta đã dồn sức người sức của cho các mặt trận. Bom đạn của máy bay địch, gian khổ của đường lên chiến trường không ngăn cản được bước tiến của các đoàn dân công, các đoàn vận tải trên khắp các nhánh đường, dòng sông, dòng suối, ngày đêm đưa lương thực, đạn dược đến Điện Biên Phủ phục vụ cho bộ đội đánh giặc.
Biết bao tấm gương hy sinh chiến đấu, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khan để chiến đấu và chiến thắng. Nhân dân vùng Tây Bắc còn nghèo khổ đã hăng hái góp phần lương thực cho bộ đội; những đoàn xe đạp thồ đã nâng mức trọng tải mỗi xe lên tới hàng tạ. Dân công chở thuyền, mảng trên sông phần nhiều là phụ nữ đã vượt qua biết bao dòng nước xiết, khắc phục biết bao nhiêu ghềnh thác hiểm nghèo.
Tại hỏa tuyến, Nhân dân đã chiến đấu sát cánh với bộ đội. Tại các bệnh viện, trên đường tải thương, Nhân dân đã săn sóc thương binh như con em ruột thịt. Trên các tuyến đường, Nhân dân ta ngày đêm lăn lộn làm đường, sửa đường dưới sự uy hiếp của máy bay địch, ngay trên những quả bom nổ chậm. Nhân dân ta không những cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu chiến đấu và chiến đấu bên cạnh bộ đội mà còn săn sóc bộ đội từ cây kim sợi chỉ, từ miếng quà, tấm bánh, gửi hàng ngàn bức thư cổ vũ, thăm hỏi các chiến sĩ trên chiến trường.
Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Tấm gương tiêu biểu
Trong cuộc chiến đấu vĩ đại trên mặt trận Điện Biên Phủ, quân đội ta đã xây dựng trận địa hàng trăm cây số, đã chiến đấu liên tục trong mấy tháng ròng rã. Biết bao gương hy sinh, mãi mãi tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.
Người chiến sĩ Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng. Anh Hoàng Văn Nô dũng sĩ đâm lưỡi lê diệt địch cho đến khi bị tử thương mà còn ở trong tư thế hiên ngang. Anh Tô Vĩnh Diện đã không chút do dự hy sinh tính mạng để bảo vệ pháo. Anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đó là những chiến sĩ quân báo một mình dùng mưu trí bắt sống nhiều tên địch, những chiến sĩ lái xe bị thương nhưng không rời tay lái, những chiến sĩ công binh vật lộn với bom nổ chậm, những chiến sĩ quân y, vận tải lăn mình trong khói lửa để chuyển đạn, tải thương, những chiến sĩ thông tin quên mình để bảo vệ đường dây liên lạc,…
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra nhằm khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong giai đoạn mới, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".