Kinh tế

Điểm yếu của cà phê Đắk Nông

Lê Phước 06/04/2023 05:00

Dù có diện tích và sản lượng cà phê lớn, nhưng do khâu chế biến còn hạn chế, nên Đắk Nông chủ yếu xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp.

ADQuảng cáo

HTX Tin True coffee (Krông Nô) hiện có 8 thành viên. HTX liên kết với 20 hộ dân để trồng 30ha cà phê. Trong đó, có khoảng 20ha cà phê với sản lượng 70 tấn/năm đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Có nguồn nguyên liệu bảo đảm, HTX đã tận dụng để sản xuất cà phê bột. Sản phẩm cà phê bột Tin True coffee đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Cách đây 2 năm, cà phê của HTX được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Theo lãnh đạo HTX Tin True coffee, hiện mỗi năm đơn vị chế biến và cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn cà phê bột. Giá cà phê của HTX dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong nước.

a1-tin-true-1-.jpg
Sản phẩm cà phê của HTX Tin True coffee được trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện

Tại Đắk Mil, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An đã liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Phần lớn sản lượng cà phê của HTX được cung cấp nhân xô cho các đối tác xuất khẩu.

Cùng với đó, HTX cũng đầu tư dây chuyền để sản xuất cà phê bột. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam được xếp hạng sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao năm 2020. Hiện cà phê Đắk Đam đang được bán trên thị trường với giá trên 150.000 đồng/kg.

ADQuảng cáo

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, thời gian qua, một số doanh nghiệp và người dân đã nỗ lực đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến cà phê.

Riêng khâu chế biến, trên địa bàn tỉnh có 2 hình thức là chế biến khô và chế biến ướt. Việc đa dạng các hình thức chế biến nhân, chế biến bột đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cà phê.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến cà phê. Trong số này, hầu hết là chế biến cà phê bột quy mô nhỏ. Sản lượng cà phê bột sản xuất và tiêu thụ của toàn tỉnh Đắk Nông hiện ở con số khoảng 400 tấn/năm.

a2-ca-phe-nhan-1-.jpg
Cà phê Đắk Nông chủ yếu được sơ chế, chế biến và xuất khẩu ở dạng nhân xô

Thế nhưng, những con số nói trên vẫn còn rất khiêm tốn so với diện tích và sản lượng cà phê của toàn tỉnh. Nếu so với sản lượng cà phê hiện tại là gần 360.000 tấn cà phê/năm, sản lượng cà phê bột được chế biến của Đắk Nông chỉ đạt khoảng trên 0,1%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, cà phê Robusta của tỉnh có mùi vị và hương thơm đặc trưng. Cà phê Đắk Nông chủ yếu được tiêu thụ thông qua xuất khẩu với sản lượng khoảng trên 120.000 tấn/năm, giá trị khoảng 215 triệu USD/năm. Sản phẩm cà phê của Đắk Nông chủ yếu xuất sang các thị trường như: Singapore, Đức, Nhật Bản…

Mặc dù sản lượng cà phê xuất khẩu cao, nhưng chủ yếu dưới dạng cà phê nhân xô (99,9%). Tỷ trọng cà phê được chế biến sâu còn hạn chế (0,1%). Đây là hạn chế của ngành cà phê Đắk Nông trong việc nâng cao giá trị.

Để phát triển cà phê theo hướng bền vững, Đắk Nông đang tổ chức lại việc sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị ngành hàng. Trong đó, Đắk Nông tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.

“Chúng tôi ưu tiên phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX để tăng cường sự kết nối theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ cà phê”, ông Lê Trọng Yên chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm yếu của cà phê Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO