Điểm tựa của người khó khăn xã Quảng Tâm
Từ khi đi vào hoạt động, Khu Du lịch sinh thái thác Đắk G’lun tại xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại chỗ.
Khu Du lịch sinh thái thác Đắk G’lun (Khu du lịch) được Công ty xây dựng Thương mại Dịch vụ Đại Phát Thành đầu tư, xây dựng và khai thác du lịch từ năm 2021 tới nay. Từ khi đi vào hoạt động, khu du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm, từ đó tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động huyện Tuy Đức.
Trước khi vào làm việc tại Khu Du lịch sinh thái thác Đắk G’lun, chị Nguyễn Thị Thảo, thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) từng loay hoay đi tìm việc nhưng không có đơn vị nào tiếp nhận vì chị bị khuyết tật ở tay. Không có việc làm, phải sống phụ thuộc vào người khác nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai chồng chị Thảo.
Hơn một năm trước, chị Thảo được nhận vào làm nhân viên vệ sinh tại Khu du lịch, với thu nhập bình quân mỗi tháng trên 6 triệu đồng (đã trừ chi phí ăn uống hàng ngày). Số tiền kiếm được đã giúp chị Thảo trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, từ đó giúp cuộc sống của gia đình được cải thiện rất nhiều.
“Trước đây tôi bị mất một tay nên không thể đi làm thuê được. Bản thân tôi cũng rất buồn vì trở thành gánh nặng cho người khác. Được công ty nhận vào làm việc, tôi rất phấn khởi. Từ một người sống phụ thuộc, tôi đã tự lao động, kiếm tiền để chăm lo cho gia đình”, chị Thảo nói.
Tương tự, gần 1 năm nay, vợ chồng chị Ma Thị Đào, thôn 2, xã Quảng Tâm cũng được nhận vào làm việc tại Khu du lịch. Chị Đào là nhân viên vệ sinh phòng nghỉ còn chồng làm bảo vệ, thu nhập hàng tháng 6 triệu đồng/ người. Đặc biệt, với công việc đang làm, vợ chồng chị Đào còn được tạo điều kiện về nhà để chăm nom vườn rẫy của gia đình.
Chị Ma Thị Đào chia sẻ: “Công việc không quá nặng nhọc, áp lực. Do đặc thù của Khu du lịch yêu cầu phòng nghỉ luôn sạch đẹp, đầy đủ nên nhân viên vệ sinh thường xuyên phải đi kiểm tra, dọn dẹp phòng. Vào những lúc ít khách du lịch lưu trú, tôi còn tranh thủ về làm việc nhà, đưa đón con đi học. Có được công việc ổn định như hiện nay, cuộc sống của gia đình tôi cũng tốt hơn so với trước đây”.
Ông Lương Thanh Tài, Phó Giám đốc Công ty xây dựng thương mại dịch vụ Đại Phát Thành cho biết, hiện Khu du lịch đang có khoảng 50 lao động làm việc thường xuyên, trong đó một nửa là lao động người địa phương. Thu nhập bình quân của mỗi lao động phổ thông là 6 triệu đồng/tháng, riêng những tháng lễ, tết hoặc tháng có doanh thu cao, người lao động đều có thu nhập tăng thêm.
Chia sẻ về lý do chọn người địa phương vào làm việc, ông Tài cho rằng, khi tới huyện Tuy Đức đầu tư, Công ty xây dựng thương mại dịch vụ Đại Phát Thành được chính quyền địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ miễn thuế trong 15 năm. Việc tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc cũng là cách mà đơn vị góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đắk Nông.
“Trong thời gian tới, Khu du lịch sinh thái thác Đắk G’lun đưa vào thêm nhiều loại hình dịch vụ mới. Bên cạnh tuyển dụng thêm người địa phương, chúng tôi rất mong muốn thu hút được nguồn lao động chất lượng cao về đây làm việc. Hiện tỉnh Đắk Nông đang kêu gọi đầu tư, phát triển ngành Du lịch. Chính vì vậy việc bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng, từ đó sẽ giúp nâng cao được chất lượng ngành Du lịch của tỉnh nhà”, ông Tài cho biết thêm.