Kinh tế

“Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Lương 08/03/2023 17:14

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), hàng ngàn hộ nghèo tại Đắk Nông đã có cuộc sống ổn định. Trong đó, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Đồng vốn “gõ cửa” người dân

Đắk Glong là địa bàn có số hộ đồng bào dân tộc vay vốn ưu đãi từ NHCSXH cao nhất tỉnh. Đến hết tháng 2/2023, toàn huyện có gần 5.000 hộ vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ trên hơn 270 tỷ đồng.

img_9261(2).jpg
Nhiều hộ đồng bào xã Đắk Som (Đắk Glong) vay vốn từ NHCSXH huyện đầu tư vào chăm sóc cây trồng

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, công tác giảm nghèo luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, thời gian qua, phía địa phương phối hợp tốt với NHCSXH tạo điều kiện hộ nghèo được vay vốn.

Đối với những phương án sử dụng vốn vay được phê duyệt, huyện chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho các hộ. Hầu hết, hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất.

img_0775(1).jpg
Cán bộ NHCSXH thăm mô hình hộ dân sử dụng vốn vay tại xã Quảng Khê (Đắk Glong)

“Đời sống của bà con từng bước ổn định. Mức sống ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc hơn. Nhận thức của bà con thay đổi từng ngày”, ông Thuần cho biết.

Năm 2019, hộ ông K’Thét, xã Đắk Som được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Ông mua máy móc, thiết bị, phân bón chăm sóc hơn 2 ha cà phê. Nhờ đó, năng suất vườn cây dần cải thiện.

“Nhiều năm trước, vườn cà phê chỉ cho gần 4 tấn nhân/vụ. Nhờ đầu tư vốn vay từ NHCSXH, năng suất vườn cây tăng lên, đạt hơn 6 tấn/vụ. Gia đình có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống, trả nợ cho ngân hàng”, ông K’Thét cho biết.

8963261e-faf4-4cce-9393-3d430c30793a-1-1-.jpeg
Người dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) vay vốn từ NHCSXH đầu tư chăn nuôi dê

Tương tự, hộ gia đình chị H’Nen, xã Quảng Khê, cũng vừa thoát nghèo năm 2021. Gia đình chị có 7 nhân khẩu và 4 ha đất trắng.

Năm 2019, được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, chị mua giống cà phê, thiết bị, phân bón về canh tác. Sau gần 4 năm, 4 ha đã cho thu hoạch, mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Chị H’Nen phấn khởi: “Nhờ vốn vay từ ngân hàng mà gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo. Hiện nay, gia đình đang đầu tư thêm vào chăn nuôi gà và heo sinh sản. Nếu thuận lợi, gia đình sẽ trả được hết nợ ngân hàng đúng hạn”.

Ưu tiên các hộ đồng bào

Tính đến hết tháng 2/2023, toàn tỉnh có gần 39.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn từ NHCSXH, với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo NHCSXH tỉnh, hàng năm, dựa trên nguồn vốn phân bổ, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn. Sau khi nắm chắc hoàn cảnh gia đình, phương án các hộ vay đầu tư, ngân hàng sẽ giải ngân.

Quá trình giải ngân sẽ ưu tiên những hộ có hoàn cảnh thực sự khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ ở vùng sâu, vùng xa.

img_1021-1-.jpg
NHCSXH huyện Tuy Đức giải ngân nguồn vốn vay cho người dân xã Quảng Trực

Các tổ chức hội cơ sở hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Trường hợp nào sử dụng vốn vay để mua sắm trang thiết bị sinh hoạt, dẫn đến không có nguồn trả lãi, nợ cho ngân hàng sẽ được kiểm soát ngay.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay rất khó. Công việc này càng khó khăn hơn khi áp dụng đối với các hộ là người đồng bào dân tộc.

Để giải quyết khó khăn này, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện luôn bám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Trường hợp hộ nào có nguy cơ sử dụng vốn sai mục đích, ngân hàng sẽ vào cuộc để can thiệp.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        “Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO