Đắk Nông có nhiều điểm sáng trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, tạo vị thế sản phẩm trên thị trường.
Sản xuất, chế biến nông sản bằng công nghệ cao
Ông Mai Huyệch, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) pha thuốc vào bình 300lít, lượng thuốc đủ cho 1ha sầu riêng. Ông lắp đặt vòi xả hỗn hợp thuốc vào bình chứa 40lít của máy bay điều khiển từ xa.
Đầy bình máy bay cất cánh, từ độ cao khoảng 5m, thuốc được phun xuống từ ngọn đến gốc, chỉ trong vài phút lượng thuốc đã được xịt cho sầu riêng, máy bay lại về chỗ cũ để tiếp tục lấy thuốc.
Ông Mai Huyệch, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sử dụng máy bay phun thuốc cho sầu riêng
Tiếp thuốc xong, máy bay tự động bay tới chỗ cây sầu riêng tiếp theo của đợt phun trước và xả thuốc. Công việc xịt thuốc, phân bón lá cho sầu riêng trước đây khó khăn bao nhiêu thì giờ trở nên dễ dàng và nhanh chóng bởi máy bay điều khiển từ xa.
Ông Mai Huyệch cho biết, tôi đang trồng gần 9ha sầu riêng. Trung bình mỗi năm phải xịt thuốc, bón phân qua lá cho vườn sầu riêng khoảng 45 lần. Trên diện tích này mỗi đợt bón phân, xịt thuốc phải thuê 10 công lao động phun trong 1 ngày.
Giờ việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn sầu riêng gần 9ha của tôi rất nhanh chóng và hiệu quả chỉ tốn 2 công lao động chưa tới 1 ngày là xong. Điều đặc biệt hơn, tôi lựa được thời gian, thời tiết thích hợp nhất để phun thuốc, bón phân cho vườn của mình.
Ông Mai Huyệch, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) tiếp cận với công nghệ hiện đại trong sản xuất sầu riêng
Ông Huyệch đầu tư mua máy bay phun thuốc T50 có 4 vòi phun ly tâm tốc độ xả nước tối đa 24 lít/phút, có dung tích bình chứa 40 lít và kết nối với tay cầm điều khiển từ xa. Máy bay sử dụng nhiều cảm biến và thiết bị thông minh, vận hành bay bằng sơ đồ được thiết lập từ trước. Ngoài ra máy bay có thể bón phân dạng hạt với trọng lượng 50kg/lần bay.
Đặc biệt, máy bay có thể tự nhớ vị trí phun thuốc trước đó để khi thay pin hay hết thuốc sẽ chủ động di chuyển tới vị trí đó để tiếp tục công việc. Máy có thể phun tất cả các loại thuốc phòng trừ dịch hại, sâu bệnh, dưỡng chất, phân bón lá… hiệu suất phun thuốc cho cây sầu riêng khoảng 4,8ha/giờ.
Ông Mai Huyệch, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) học lái máy bay phun thuốc trừ sâu
Máy bay không người lái từ lâu đã sử dụng ở nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản... trong các hoạt động sản xuất, canh tác.
Tại Đắk Nông, dù mới được ứng dụng, những thiết bị này đem lại kết quả khả quan, hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nông nghiệp.
Máy bay không người lái phù hợp với các trang trại quy mô lớn, địa hình phức tạp và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Công ty TNHH TM XNK Macca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa đầu tư mua máy sấy thăng hoa
Năm 2023, Công ty TNHH TM XNK Macca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đầu tư mua máy sấy thăng hoa với công suất 200kg mỗi mẻ trong thời gian 36 giờ. Công ty đã sử dụng công nghệ này sấy nhiều loại nông sản của Đắk Nông, trong đó chủ yếu là mắc ca, sầu riêng, măng cụt, mít, bơ, nấm…
Sấy thăng hoa là một trong những công nghệ chế biến nông sản tiên tiến hoạt động theo nguyên tắc khử nước hoàn toàn để làm khô sản phẩm. Đặc biệt, những sản phẩm sau khi trải qua sấy thăng hoa đều giữ lại được hầu hết các dưỡng chất, vitamin, hương vị, màu sắc...
Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông thưởng thức sầu riêng sấy thăng hoa tại xưởng của Công ty TNHH TM XNK Macca sachi Thịnh Phát
Sản phẩm từ công nghệ chế biến sấy thăng hoa đã giúp công ty sở hữu 4 sản phẩm OCOP hạng 4 sao gồm: Hạt mắc ca rang sấy, sầu riêng sấy, măng cụt sấy và mít sấy.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc công ty cho biết, nhờ công nghệ hiện đại, kết hợp với các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì… mà sản phẩm của đơn vị đã sớm tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn ứng dụng công nghệ
Tỉnh Đắk Nông xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Vì vậy, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu thì ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp là một tất yếu.
Nông nghiệp ƯDCNC phát triển mạnh ở Đắk Nông
Đắk Nông có khoảng trên 95.000ha các loại cây trồng thực hiện ứng dụng một phần công nghệ cao như giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến,…, sản lượng hàng năm ước đạt trên 420.000 tấn. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 117 triệu đồng.
Tỉnh công nhận được 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô 3.556ha, gồm cà phê, hồ tiêu, lúa, xoài; công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về vùng trồng xuất khẩu, Đắk Nông hiện có 47 mã số, với 37 vùng trồng; 10 mã số cơ sở đóng gói...
Đắk Nông đã thu hút được 28 dự án chăn nuôi heo quy mô lớn với tổng đàn 496.200 con đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; tại các trang trại này đều áp dụng các công nghệ vào sản xuất như áp dụng chuồng lạnh, chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, quản lý đàn vật nuôi qua các camera giám sát … để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.
Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng CNC ở Đắk Nông đã mang hiệu quả cao
Ngoài ra, tỉnh đã thu hút 34 nhà đầu tư xin đầu tư trang trại chăn nuôi lợn vào địa bàn tỉnh với tổng số 512.100 con; hình thành 7 chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Tại Đắk Nông đã có hàng trăm người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp bằng ƯDCNC. Hướng đầu tư này đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhiều mô hình nông nghiệp ƯDCNC đã mang hiệu quả cao, bước đầu tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất, thu hút được một số cá nhân, tổ chức tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, khai thác được tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Đắk Nông từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống tạo nên nhiều điểm sáng của nông nghiệp hiện đại ở Tây Nguyên. Với những kết quả đạt được, nông nghiệp ƯDCNC Đắk Nông đang mở ra cơ hội tạo đột phá và phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, đưa nông sản của tỉnh ra thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, nông nghiệp ƯDCNC là hướng đi tất yếu, động lực quan trọng tạo đột phá chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp Đắk Nông nâng cao giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, hiện nay, chưa có so sánh chính thức về hiệu quả kinh tế giữa sản xuất nông nghiệp ƯDCNC và sản xuất truyền thống.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy 1 số cây trồng có ưu điểm và hiệu quả vượt trội. Đơn cử vùng nông nghiệp ƯDCNC cà phê Đắk Mil có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn vùng sản xuất truyền thống.
Đặc biệt, vùng hồ tiêu nông nghiệp ƯDCNC Đắk Song đã liên kết xuất khẩu giúp nâng cao giá trị hồ tiêu. Vùng sản xuất lúa nông nghiệp ƯDCNC ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô cũng mang lại giá trị cao hơn so với vùng sản xuất truyền thống khi bán ra thị trường.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 hình thành thêm 25 vùng nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000ha
“
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 hình thành thêm 25 vùng nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000ha; định hướng đến năm 2050, hình thành 35 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô diện tích trên 14.300ha để làm động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.