Điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc

Nguyên Vũ tổng hợp| 12/12/2023 10:58

Hơn 70 năm qua, nền tảng mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vẫn là hoà bình, hữu nghị, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ, cùng nhau phát triển kinh tế.

Tăng cường xúc tiến thương mại Việt Nam - Trung QuốcKinh tế thương mại là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Từ sự giúp đỡ chí tình về kinh tế trong quá khứ

Ngay sau khi thành lập không lâu, ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là quốc gia đầu tư trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mối quan hệ khởi đầu ở bình diện quốc gia ngày càng được 2 bên bồi đắp và phát triển mạnh mẽ.

Với quan điểm là láng giềng, “môi hở răng lạnh” và trên nền tảng mối quan hệ hoà bình, hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông thiết lập, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam, Trung Quốc là một trong số các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam tích cực nhất, bao gồm vũ khí, xe vận tải, khí tài, quân trang, lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu…

Trong kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc đã đồng ý để Quảng Tây là nơi tiếp nhận viện trợ, chữa trị thương binh và mở trường đào tạo cho Việt Nam. Trung Quốc cũng đã viện trợ hàng nghìn tấn hàng gồm súng đạn, quân trang, thuốc và dụng cụ quân y, xe vận tải; hàng nghìn tấn gạo cho bộ đội.

Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang Việt Nam. Sự hỗ trợ trên tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em” này của Trung Quốc có ý nghĩa to lớn trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam cũng như của Trung Quốc lúc đó; góp phần làm mạnh thêm thế và lực của quân ta trong 2 cuộc kháng chiến để đi tới thắng lợi cuối cùng.

Theo nghiên cứu của Đại tá, Ths Trần Đình Quang, từ năm 1954 đến 1975, Trung Quốc tiếp tục có những hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế ở miền Bắc.

Cụ thể, giai đoạn 1954-1964, Trung Quốc đã viện trợ kinh tế, kỹ thuật, cung cấp các thiết bị, xây dựng các cơ sở sản xuất công - nông nghiệp, các cơ sở đào tạo, xây dựng cầu đường... gửi chuyên gia sang giúp Việt Nam trong hầu hết các ngành kinh tế; tiếp nhận cán bộ, công nhân Việt Nam sang Trung Quốc học tập.

Trong giai đoạn 1955-1964, Trung Quốc giúp Việt Nam 900 triệu Nhân dân tệ không hoàn lại (trong đó, phần xây dựng kinh tế là 640 triệu). Cho Việt Nam vay 900 triệu Nhân dân tệ (Theo 02 Hiệp định đã ký kết ngày 18/2/1959 và 31/1/1961) với lãi suất 1% để phát triển kinh tế và văn hóa. Giúp đào tạo 4.755 cán bộ, công nhân cho Việt Nam và gửi 5.837 chuyên gia sang giúp Việt Nam.

Ngoài sự giúp đỡ của Trung ương, 4 tỉnh biên giới của Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam) đã ký kết thỏa thuận giúp đỡ 7 tỉnh biên giới của Việt Nam phát triển nông nghiệp, giao thông, công nghiệp...

Điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm năm 2022 - Ảnh: TTXVN

Từ năm 1965 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc tăng cường ủng hộ Việt Nam trên nhiều phương diện chính trị, ngoại giao... và đẩy mạnh viện trợ vật chất cho Việt Nam, dù lúc đó Trung Quốc gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Ngày 24/1/1965, hai nước ký Hiệp định bổ sung về việc Trung Quốc giúp Việt Nam các trang bị quân sự vật tư hậu cần chủ yếu. Ngày 30/5/1965, hai nước ký Hiệp định về việc Trung Quốc giúp Việt Nam nâng cấp, mở rộng, làm mới 12 tuyến đường ô tô dài 1.782 km nhằm tăng khả năng vận chuyển phục vụ kinh tế - xã hội và tác chiến.

Ngày 23/6/1966, Trung Quốc ký với ta hiệp định viện trợ không hoàn lại những thiết bị sản xuất, sửa chữa của công binh xưởng quân khu và trạm quân giới cấp tỉnh đội, gồm thiết bị 7 binh công xưởng quân khu, 40 trạm sửa chữa quân giới tỉnh đội. Tháng 11/1966, Trung Quốc ký tiếp Nghị định thư bổ sung về viện trợ không hoàn lại những vật tư, trang bị quân sự cho ta trong năm 1967.

Trước cuộc Tổng tiến công năm 1968, Trung Quốc đã đáp ứng đề nghị của Việt Nam giúp mở thêm đường bộ, kéo dài đường ống dẫn dầu của Việt Nam tới sát biên giới Trung Quốc; giúp xây dựng tuyến đường ngang Bình Gia - Ngô Khê - Sơn La dài 596 km, khối lượng đào đắp khoảng 20 triệu m3, có 6 cầu lớn dài khoảng 650 m (chưa kể phà qua sông Hồng) đường theo tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, tổng trị giá khoảng 20 triệu Nhân dân tệ; tiếp tục viện trợ không hoàn lại các trang thiết bị quân sự, vật chất hậu cần cho cả hai miền Nam, Bắc trong 02 năm 1967 và 1968.

Trong giai đoạn từ năm 1965 - 1968, Trung Quốc viện trợ Việt Nam 170.798 tấn thiết bị, vật tư để xây dựng 8 công trình quân sự sản xuất thiết bị, làm nền tảng cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển; viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 36.448 tấn vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men… trị giá 922 triệu Nhân dân tệ.

Trong giai đoạn 1969 - 1972, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam 761.001 tấn hàng quân sự, trị giá 686.659 triệu Nhân dân tệ; giúp 60 triệu USD để mua sắm gạo và thực phẩm tại chỗ. Tính chung từ năm 1955 - 2/1971, Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam là 6.447 triệu Nhân dân tệ và 10 triệu Rúp, cho vay dài hạn không lấy lãi là 300 triệu Nhân dân tệ và 227 triệu Rúp.

Chính phủ Việt Nam đã thương lượng và được Chính phủ Trung Quốc đồng ý cho sử dụng cảng Phòng Thành và để một số tàu biển chở hàng viện trợ quốc tế cho Việt Nam được bốc dỡ hàng ở cảng Trạm Giang (Quảng Đông), từ đó hàng chuyển vào Việt Nam bằng đường sắt qua Lạng Sơn. Lúc này, tuyến đường sắt Hà Nội - Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) là con đường duy nhất để nhập hàng viện trợ quốc tế. Cùng thời gian này, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, trong thời gian ngắn, ta hoàn thành lắp đặt hai hệ thống đường ống quốc gia, mỗi tuyến gồm đường ống xăng và điêzen để tiếp nhận xăng dầu từ Trung Quốc qua biên giới ở Quảng Ninh và Lạng Sơn chuyển về Hà Nội và vào các chiến trường. Riêng kho đầu mối Đồng Đăng, Lạng Sơn, tiếp nhận 15.000 - 20.000 tấn xăng dầu/tháng. Nhờ những nỗ lực trên, năm 1972 ta đã tiếp nhận được 382.433 tấn hàng viện trợ quân sự (không kể xăng dầu chuyển qua đường ống).

Trong kháng chiến chống Mỹ, viện trợ và vốn vay dài hạn của Trung Quốc chiếm 46% tổng số viện trợ và vốn vay dài hạn các nước dành cho Việt Nam; riêng viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc chiếm 71%. Phần lớn số viện trợ này tập trung vào giai đoạn 1966 - 1968. Ngoài ra, từ năm 1955 - 1975, Trung Quốc đã đào tạo cho Việt Nam 16.275 cán bộ, công nhân kỹ thuật; từ năm 1955 - 2/1971, Trung Quốc đã cử 7.000 chuyên gia kỹ thuật sang giúp Việt Nam về thiết kế, thi công xây lắp, quản lý các ngành giao thông, bưu điện...

Điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai

Đến sự hợp tác đầu tư mạnh mẽ

Sau khi bình thường hóa năm 1991, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cả chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh. Qua đó góp phần củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị của nhân dân hai nước, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước.

Về viện trợ phát triển, các khoản vay ưu đãi mà Trung Quốc dành cho Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2000 chủ yếu tập trung vào việc khôi phục, cải tạo và mở rộng các nhà máy do Trung Quốc xây dựng trước đây. Từ năm 2000 đến nay, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc đã tăng lên mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang cần: điện lực, khai khoáng, luyện kim, phân bón nông nghiệp, hóa chất, cơ khí. Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại trong việc tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc…

Bên cạnh đó, các bộ, ngành của hai nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và điều chỉnh, bổ sung nội dung các hiệp định trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại nhằm không ngừng hòan thiện hành lang pháp lý cho hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại.

Về thương mại, kim ngạch thương mại hai nước không ngừng phát triển. Nếu như năm 1991, kim ngạch thương mại hai bên chỉ là 32 triệu USD thì đến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đã lên tới 180 tỉ USD. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 58 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 120 tỷ USD.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Về đầu tư, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11/2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27.224 triệu USD, đứng thứ 3 về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký. Riêng từ đầu năm nay đến cuối tháng 11 có 632 dự án, với lượng vốn 3.806,5 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ 2 về lượng vốn đăng ký.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Từ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng… thì thời gian qua đã mở rộng sang dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp đang thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước.

Với tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới đã khởi sắc, quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc có mức bổ trợ rất cao và tiềm năng lớn. Hai bên đang thúc đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý vướng mắc về cơ chế, chính sách..., mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng về đầu tư, thương mại hai bên.

Đánh giá về tiềm năng quan hệ đầu tư, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, Trung Quốc đang chứng minh là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn. Không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước như Mỹ hay EU đều muốn thu hút và tận dụng nguồn vốn này. Không chỉ năm 2023 mà còn từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

Có thể nói, sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc trong quá khứ là rất hiệu quả và có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Đây cũng là nền tảng củng cố thêm mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc hiện tại và tương lai.

Nguyên Vũ tổng hợp

Theo congthuong.vn
https://congthuong.vn/diem-lai-moi-quan-he-kinh-te-thuong-mai-giua-viet-nam-trung-quoc-291338.html
Copy Link
https://congthuong.vn/diem-lai-moi-quan-he-kinh-te-thuong-mai-giua-viet-nam-trung-quoc-291338.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO