Dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế cho người giữ rừng tại Lâm Đồng

THU NGỌC| 01/11/2023 15:59

Thực tế gần 15 năm qua tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, từ việc nhận khoán bảo vệ rừng hằng năm đã góp phần tạo sinh kế và thu nhập đáng kể cho những hộ nhận khoán. Họ cũng chính là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, giữ vững “lá phổi xanh” vùng nam Tây Nguyên.

Dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế cho người giữ rừng tại Lâm Đồng ảnh 1
Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt.

Tại Lâm Đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện từ khi triển khai thí điểm năm 2009, theo Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Với mục đích và ý nghĩa của ban hành chi trả dịch vụ môi trường rừng là: Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động các nguồn lực khác nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước để tăng cường đầu tư vào ngành lâm nghiệp, kết quả thực hiện chi trả trong gần 15 năm qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phần nào chứng minh được mục đích và ý nghĩa này.

Tính đến năm 2022, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 2.983 tỷ đồng (riêng năm 2022 thu được: 437,9 tỷ đồng). Nguồn thu chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thủy điện (năm 2022: 50 cơ sở), với tỷ trọng thu chiếm hơn 95% tổng thu.

Một số nhà máy thủy điện như: Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đồng Nai 4, Trị An có số tiền nộp hơn 35 tỷ đồng/đơn vị/năm. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch hằng năm đóng góp 5% số thu và số thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp không đáng kể. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, từ năm 2020 chuyển sang hình thức chi trả trực tiếp.

Dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế cho người giữ rừng tại Lâm Đồng ảnh 1
Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt.

Kết quả thống kê cho thấy, số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hằng năm của Lâm Đồng luôn nằm trong 3 tỉnh có số thu cao nhất cả nước. Số nợ đọng hằng năm rất ít và hầu như không có.

Với số tiền thu được, hằng năm tỉnh Lâm Đồng đã chi trả cho hơn 74% diện tích rừng toàn tỉnh, tương đương 400.000ha/năm. Đơn giá chi trả tương đối cao và gấp đôi đơn giá chi trả từ ngân sách cho phần diện tích không cung ứng. Như năm 2022, đơn giá chi trả từ 936.000 đồng đến 1.214.000 đồng trên mỗi hecta.

Qua kết quả thực tế đã chứng minh rằng, chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Đặc thù tại tỉnh Lâm Đồng, hầu hết chủ rừng có diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường là chủ rừng nhà nước. Đối tượng này chiếm hơn 95% diện tích được chi trả. Cùng với yếu tố lịch sử để lại và tình hình thực tế đời sống, tập quán canh tác dựa vào rừng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, các chủ rừng nhà nước đã khoán bảo vệ rừng hơn 90% diện tích này, với hơn 16 nghìn hộ và phần tự quản lý không đáng kể.

Dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế cho người giữ rừng tại Lâm Đồng ảnh 2

Hộ nhận khoán tham gia tuần tra bảo vệ rừng cùng chủ rừng.

Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng hằng năm, đã góp phần tạo sinh kế và nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng (từ 15 đến 20 triệu đồng/hộ/năm). Họ cũng chính là lực lượng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng. Qua kết quả thực tế đã chứng minh rằng, chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Trong thời gian tới, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng được xác định sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, khi chi trả dịch vụ môi trường đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và qua quá trình thử nghiệm, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có hướng dẫn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với loại dịch vụ “hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng”. Khi triển khai thực hiện sẽ tăng thêm nguồn thu và người “gắn bó” với rừng sẽ hưởng lợi nhiều hơn, thể hiện rõ hơn hiệu quả của chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế cho người giữ rừng tại Lâm Đồng ảnh 3

Trụ sở Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng (8 Trần Hưng Đạo, phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).

Tỉnh Lâm Đồng xác định, nguồn thu từ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn tài chính quan trọng ngoài ngân sách, để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương gắn với cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dich-vu-moi-truong-rung-tao-them-sinh-ke-cho-nguoi-giu-rung-tai-lam-dong-post780511.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dich-vu-moi-truong-rung-tao-them-sinh-ke-cho-nguoi-giu-rung-tai-lam-dong-post780511.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế cho người giữ rừng tại Lâm Đồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO