Y tế - Sức khỏe

Dịch sốt xuất huyết ngày càng khó lường

Ngô Đồng 19/07/2024 08:30

Trong 3 năm trở lại đây (2022-2024) hầu như năm nào Đắk Nông cũng đối mặt với dịch sốt xuất huyết thể Dengue (SXHD) với xu hướng ngày càng tăng, gây nên những nỗi lo, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Dịch chồng dịch

Năm 2022 được xem là năm “dịch chồng dịch” khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, với số ca mắc là 74.397 ca tại 71/71 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố và có 49 ca tử vong. Trong đó, đỉnh điểm bùng phát dịch Covid-19 là vào tháng 3/2022, ghi nhận 2.379 ca/ngày. Phải đến cuối tháng 4/2022 số ca mắc Covid-19 mới có xu hướng giảm, ghi nhận dưới 100 ca/ngày.

SXH DIA PHUONG (1)
Đồ hoạ Nguyễn Hiền XB

Trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó, Đắk Nông lại hứng chịu thêm đợt dịch SXHD bùng phát, với tốc độ tăng đến chóng mặt so với các năm trước đó.

Cụ thể, tình hình bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh ghi nhận rải rác từ tuần 1 đến tuần 18 và bắt đầu có xu hướng gia tăng từ tuần 19, sau đó tăng cao đột biến vào các tuần giữa năm 2022. Theo chu kỳ 3 năm thì năm 2022 được xem là năm xảy ra dịch SXHD lớn. Toàn tỉnh ghi nhận 3.427 ca mắc SXHD tại 71/71 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố. So sánh với năm 2021, số mắc tăng 13,5 lần và số xã có ca mắc SXHD tăng 21 xã.

Năm 2022, số ca mắc SXHD chủ yếu tập trung tại 4 huyện, thành phố gồm Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút và TP. Gia Nghĩa (chiếm gần 80% tổng số ca mắc SXHD trên toàn tỉnh). Tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân trên toàn tỉnh là 511,1 ca/100.000 dân, trong khi chỉ tiêu đề ra là khống chế dưới 150 ca. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 103 ổ dịch SXHD phân tán tại 82 thôn, bon của 40 xã thuộc 8 huyện, thành phố.

Theo ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, mặc dù dịch chồng dịch như vậy nhưng lúc bấy giờ nhân lực y tế mỏng, khối lượng công việc nhiều, nên áp lực rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch nói chung và SXHD nói riêng. Tại tuyến y tế cơ sở, kỹ năng điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh của cán bộ chuyên trách còn yếu và chưa có kinh nghiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh giá và nhận định tình hình bệnh SXHD tại địa bàn quản lý.

Bước sang năm 2023, khi dịch Covid-19 được khống chế hiệu quả, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới nhưng dịch SXHD vẫn tiếp tục đe dọa. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục ghi nhận 1.599 ca SXHD tại 68/71 xã thuộc 8 huyện, thành phố, không có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc SXHD giảm 53,3%. Tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân trên toàn tỉnh là 238,5 ca/100.000 dân, trong khi chỉ tiêu đề ra là khống chế dưới 320 ca.

bieu do sxh cua tinh
ĐH: NH

Về diễn tiến, tương tự như năm 2022, ca bệnh SXHD ghi nhận ngay từ tuần đầu tiên của năm 2023 và bắt đầu gia tăng cao ở tuần 25, đến tuần 46 mới bắt đầu có xu hướng giảm. Trong đó, 5 địa phương có số ca mắc cao và chiếm đến 80% số mắc của toàn tỉnh là Cư Jút, Đắk Song, Đắk R’lấp, Krông Nô và Đắk Mil. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 57 ổ dịch phân tán tại 46 thôn, bon thuộc 30 xã của 8 huyện, thành phố.

Ngày càng tăng khó lường

Trước diễn biến dịch SXH ngày càng tăng, khó lường, ngay từ cuối năm 2023, ngành Y tế đã dự báo SXHD sẽ có nguy cơ tiếp tục tăng cao, bùng phát và lan rộng trong năm 2024. Nguyên nhân được đưa ra là do bệnh đã lưu hành ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng; điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nhận thức của người dân về phòng, chống SXH còn hạn chế; chính quyền địa phương chưa thật sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống SXH.

Dự báo trên của cơ quan chuyên môn đã thành sự thật, khi ngay từ đầu năm 2024, tình hình SXHD đã có những dấu hiệu phức tạp, diễn biến khó lường, gây ra không ít lo ngại cho các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân. Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến ngày 15/7/2024, toàn tỉnh ghi nhận 1.860 ca mắc SXHD tại 66/71 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố, trong đó có 1 ca tử vong. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 104 ổ dịch SXHD tại 8 huyện, thành phố, trong đó TP. Gia Nghĩa cao nhất, chiếm đến 62 ổ dịch.

Qua số liệu trên cho thấy, mặc dù mới 6 tháng đầu năm nhưng số ca mắc SXHD của năm 2024 đã cao hơn cả năm 2023: 1.860/1.599 ca và số ổ dịch cũng tăng hơn 104/57 ổ dịch. Tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân trên toàn tỉnh cũng đã là 273 ca/100.000 dân, trong khi chỉ tiêu đề ra là khống chế dưới 150 ca.

Đáng lo ngại hơn là chắc chắn không dừng lại ở đó, bởi vì theo nhận định của ngành Y tế, dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc SXHD tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

dsc02298.jpg
Công tác kiểm tra phòng chống dịch SXHD được địa phương quan tâm

Nhiều nguyên nhân được đưa ra là bên cạnh điều kiện thời tiết, nắng mưa đan xen nên tạo thuận lợi cho loăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, thì tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh SXH. Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại… không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Cần nói thêm rằng, do tình hình SXHD những năm gần đây diễn biến bất thường, khó lường nên hàng năm ngành Y tế đã đưa ra chỉ tiêu khống chế tỷ lệ ca mắc SXH/100.000 dân để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch nhưng xem ra năm nào cũng “vượt chỉ tiêu”.

Trước tình hình SXHD có nhiều diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, ngành Y tế phối hợp với các địa phương đã tập trung nguồn lực để vào cuộc phòng, chống, nhằm khống chế dịch bùng phát, lan rộng, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Điển hình như cơ quan chuyên môn, địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, thực hiện giám sát véc tơ, điều tra ca mắc SXHD và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, xử lý ổ dịch.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dịch sốt xuất huyết ngày càng khó lường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO