"Cầm tay chỉ việc" cho nông dân
Những ngày đầu tháng 4, có dịp theo chân cán bộ của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô (gọi tắt là Trung tâm) xuống tận vườn rẫy của nông dân mới hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề này.
Chị Hoa (cán bộ Trung tâm) xuống tận vườn hướng dẫn nông dân chăm sóc rau |
Xuống nhà người dân, chưa kịp uống ly nước, chị Lê Thị Hoa (cán bộ Trung tâm) đi thẳng ra vườn rau để kiểm tra, theo dõi. Tay vạch từng cây rau để kiểm tra quá trình phát triển của vườn rau. Vừa kiểm tra, chị vừa chia sẻ kiến thức chăm sóc rau cho người dân.
Chị Hoa cho biết: “Phải xuống tận vườn, tai nghe, mắt thấy mới nắm được hiện trạng của cây trồng, vật nuôi. Làm nghề này mà không theo sát nông dân thì không hiệu quả. Hướng dẫn phải theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, xuống tận vườn thế này mới đồng hành được với bà con”.
Cũng theo chị Hoa, tất cả 11 cán bộ của Trung tâm đều là bạn đồng hành của nhà nông. Có những thời điểm, cán bộ đang ngồi trên văn phòng xử lý công việc, nhận được điện thoại của người dân là anh em nhanh chóng xuống trực tiếp vườn kiếm tra ngay. Từ vấn đề cây trồng bị sâu bệnh xâm hại, cây tốt nhưng không đậu trái, vật nuôi tăng trọng chậm đến việc phải đưa cây gì, con gì phù hợp với địa bàn này, xã kia… Trung tâm đều xử lý hết.
Trong quá trình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, cán bộ khuyến nông luôn lựa chọn phương pháp truyền đạt dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Ngoài việc xuống tận nơi hướng dẫn, cập nhật kiến thức về khoa học, kỹ thuật cho người dân, Trung tâm phối hợp với các địa phương triển khai các lớp tập huấn. Bình quân mỗi năm, Trung tâm mở 20 lớp phổ biến kiến thức về cây trồng, vật nuôi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua nhiều cách hướng dẫn, bà con từng bước đưa khoa học, kỹ thuật vào áp dụng tại mô hình sản xuất của mình. Năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi từ đó được nâng lên rõ rệt.
Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn K62, xã Đắk D’rô (Krông Nô) cho biết, với 5 sào rau trồng trong nhà kính, gia đình thu về nguồn thu nhập khá ổn định. So với trồng bắp trước đây, lợi nhuận trồng rau tăng từ 2 - 3 lần. Khi mới bắt đầu tham gia mô hình trồng rau, ngoài được hỗ trợ giống, gia đình anh còn được cán bộ Trung tâm xuống tận nơi hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên vườn rau phát triển tốt.
Triển khai các mô hình thí điểm
Cùng với hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, thời gian qua, Trung tâm còn là đầu mối trong việc xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm phối hợp các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai được 12 mô hình về cây trồng, vật nuôi cho người dân.
Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo được Trung tâm thí điểm tại nhà nuôi cấy mô |
Nhiều mô hình như cam, quýt, sâm cau, rau sạch, nấm linh chi… đã được Trung tâm triển khai cho người dân sản xuất thí điểm. Qua những mô hình này, Trung tâm góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao cũng được đưa vào sản xuất.
Ông Vũ Hoàng Phú, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Để nâng cao hiệu quả các mô hình thí điểm, ngoài phòng khám chẩn đoán bệnh cây trồng, vật nuôi cho người dân, đơn vị đang xây dựng nhà nuôi cấy mô. Với mục tiêu không xa, đơn vị sẽ là nơi cung cấp nguồn giống uy tín cho người dân trên địa bàn”.
Cũng theo ông Phú, thời gian tới, để nâng cao vai trò làm “cầu nối”, cùng với tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo đảm quy hoạch, phù hợp với từng địa bàn.
Cách thức tuyên truyền sẽ được đơn vị đổi mới theo hướng trực quan. Thay vì tuyên truyền miệng, Trung tâm sẽ xây dựng các mô hình điểm, tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm, nhằm thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiệu quả hơn.