Rừng Nâm Nung phân bố trên dãy núi Nâm Nung (núi sừng trâu) giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, nuôi dưỡng, bảo tồn hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Rừng ở Nâm Nung hầu hết là rừng nguyên sinh bao gồm rừng thường xanh ẩm cận nhiệt đới (độ cao 1.000 m - 1.578 m) và rừng thường xanh ẩm nhiệt đới (độ cao hơn 1.000 m).
Tại rừng Nâm Nung, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận có 881 loài, 541 chi và 175 họ thực vật. Hệ động vật bao gồm 297 loài, 29 bộ và 93 họ động vật có xương sống. Đây là nơi sinh sống của một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được liệt kê trong sách đỏ của Việt Nam và IUCN như bò tót, báo gấm, khỉ đuôi lợn, khỉ cộc… và một số loài thực vật như cây sồi ba cạnh, thông ba lá, cẩm lai (trắc lai),…
Tuyến đi bộ trong rừng tự nhiên thuộc xã Quảng Sơn (Đắk Glong). (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Bên cạnh các giá trị đa dạng sinh học, trong rừng Nâm Nung còn có nhiều di sản địa chất có giá trị như các thác nước hùng vĩ, đá granit, đá thiên thạch tektite phản ánh lịch sử địa chất đa dạng ở CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Ngay tại trung tâm (phần trọng yếu) của rừng là núi Nâm JerBri với đỉnh cao nhất 1.578m so với mực nước biển. Đặc biệt, nơi đây còn là quê hương lâu đời của tộc người M’nông, là nơi kết tinh những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Rừng cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm lịch sử, là mái nhà che chở cho các thủ lĩnh N’Trang Gưh, N’Trang Lơng cùng nghĩa quân chống thực dân Pháp và là khu căn cứ cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Rừng cũng là nơi cung cấp nguyên vật liệu để tạo nên những món ăn truyền thống độc đáo, sản xuất các vật dụng, phục vụ cuộc sống cư dân địa phương; là không gian diễn xướng cho một số lễ hội tiêu biểu.
Qua tuyến đi bộ trong rừng tự nhiên Nâm Nung có thể thấy những giá trị cảnh quan, địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa M’nông, hòa quyện với không khí trong lành, mát mẻ, thơ mộng của núi rừng, mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm vô cùng thú vị và hấp dẫn. |
Hiện tại, UBND huyện Đắk Glong đã và đang tiến hành làm việc với các đơn vị chủ rừng để thống nhất việc lắp đặt các bảng, biển thông tin giới thiệu về điểm di sản và sự đa dạng sinh học của rừng Nâm Nung.