Đời sống

Di sản địa chất trong tâm thức của người M’nông vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Mỹ Hằng 22/12/2023 16:07

Trong tâm thức của đồng bào M’nông vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông thì các hang động núi lửa được hình thành bởi sức mạnh siêu nhiên.

ADQuảng cáo

Tiềm thức về nữ thần Nâm Blang

Tương truyền rằng, thời xa xưa, khi cả thế giới chịu sự ngự trị của thần linh thì trên núi Nâm Nung có một bộ tộc tên Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người, bắt cóc phụ nữ yếu ớt và trẻ em trong bon (buôn) làng. Các vị thần như Thần Blang, Thần Trăh, Thần Ning luôn đứng ra che chở, bảo vệ bà con.

hinh1-6-(1).jpg
Sự hình thành các hang động núi lửa có trong sử thi M'nông dài hàng vạn câu.

Nhiều cây cổ thụ hàng triệu năm tuổi như Krắk Ndan (sồi ba cạnh), Tơm Chri (cây dao), cây Blang nở hoa đỏ bao phủ xung quanh các hang động giúp dân làng thoát khỏi mọi sự nguy hiểm tấn công. Trong vùng có một ngọn núi phun trào ra lửa mạnh mẽ, được bao quanh bởi những hang động giúp bà con có thể tránh được thời tiết xấu và thú dữ. Mỗi khi bị ma rừng tìm cách hãm hại, người dân trong bon chạy ngay vào rừng ẩn nấp dưới bóng cây Blang thì tuyệt đối an toàn. Bởi khi ma rừng nhìn thấy cây Blang với lớp vỏ màu đỏ, thân sần sùi đầy gai nhọn thì lập tức sợ hãi và rút lui.

Kể từ đó về sau, người M’nông luôn tin rằng Blang là cây thiêng, nơi trú ngụ của thần linh bảo vệ cho dân làng. Khu vực núi này được đồng bào M’nông đặt tên là Nâm Blang (núi hoa Blang) nay thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Thần núi Nâm Blang sau khi phun lửa trừng phạt bộ tộc Lao Bô ăn thịt người đã biến dòng sông lửa đông cứng lại thành rất nhiều hang động để giúp con người có thể ẩn náu trong đó, với các tên gọi hang Chư R’luk, hang Dơi, hang Buôn Choáh… như bây giờ. Các hang là nơi người M’nông ở khu vực Krông Nô cư trú trong những hang động để tránh mưa nắng, kẻ thù và biết dùng lửa để xua đuổi thú dữ, duy trì sự sống. Từ đây, người dân cũng đã biết dựng nhà hình mái vòm như những hang động để ở.

Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, người M’nông ở vùng Krông Nô lại tổ chức “Tâm Blang Mprang bon” (lễ cúng rào bon hay là lễ trồng cây Blang) để cầu mong thần Blang luôn che chở, ban cho cuộc sống yên bình. Tại lễ cúng, mọi người quây quần nghe già làng kể về sự hình thành ngọn núi Nâm Blang và những gì diễn ra xung quanh nó.

Ngày nay, ngọn núi lửa Nâm Blang vẫn sừng sững song hành cùng cuộc sống của người dân vùng CVĐC. Người M’nông khu vực Krông Nô vẫn truyền tai nhau về câu chuyện hình thành nên hệ thống hang động như minh chứng cho sự tồn tại bất diệt của nữ thần Nâm Blang - vị thần tạo ra hàng loạt hang động núi lửa dài rộng và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

dsc07316(1).jpg
Các con sông, ngọn thác đều được hình thành bởi một thế lực siêu nhiên
ADQuảng cáo

Sự tích núi lửa Nâm Kar

Núi lửa Nâm Kar, trong sử thi M’nông kể rằng, vào thời đó, cuộc chiến tranh diễn ra liên miên giữa các thần núi, trong các trận chiến đó thì thần Nâm Nung luôn giành chiến thắng, khiến cho các thần núi khác phải khuất phục. Thần núi Nâm Nung luôn mang bên mình chiếc tù và được làm bằng sừng con mil (trâu rừng) dùng để thổi, kêu gọi, thúc dục quân lính xông trận nên người ta gọi thần núi Nâm Nung là thần núi Tù và.

Trong các vị thần, thần núi Nâm Kar (núi lửa đèo 52) là một vị thần nữ đầy uy lực không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh của thần núi Nâm Nung. Tương truyền rằng, vào thời bấy giờ có bộ tộc Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong rừng Nâm Nung có cây Plang to lớn, sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Nhờ đó, uy tín và sức mạnh của thần Nam Nung ngày được lan rộng. Nữ thần Nâm Kar ngày càng nể phục và trở thành vợ của thần Nâm Nung.

Từ đó, Nâm Nung được gọi là núi Cha, Nâm Kar được gọi là núi Mẹ. Sau khi trở thành núi Mẹ, thần núi Nâm Kar trở nên hiền hòa và sinh con đàn cháu đống. Con của núi Cha và núi Mẹ là những dãy núi trùng điệp uốn lượn quây quần xung quanh ngọn núi Nâm Kar như núi lửa Nâm Kle R’luh, Chư Pui, Nâm Dơng, Xăng Diê, Leng Zom, Yoj rla rpu… Bên cạnh Núi Cha và Núi Mẹ còn có các vị thần hùng mạnh trợ giúp, giữ cho bon làng, chim nuông có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

dsc-5159.jpeg
Lễ “Tâm Blang Mprang bon” (lễ cúng rào bon hay là lễ trồng cây Blang) của người M'nông.

Sự tích con Voi

Núi Mẹ Nâm Kar hay còn gọi là Núi Cá, tương truyền trên đỉnh núi có một hồ nước rộng mênh mông có rất nhiều cá và cây cỏ xanh tốt. Biết được điều này, nên một chàng trai tìm đến bắt cá nướng ăn mà không hề biết đây là cá do thần nuôi. Khi vừa ăn xong con cá nướng, chàng trai cảm thấy ngứa ngáy toàn thân và khuôn mặt dần biến dạng, có đôi tai rất to và cái mũi rất dài, cái bụng phình to nên không thể đứng trụ được, bị biến thành con vật. Sau này gọi là con Voi.

Vì là người biến thành Voi nên ăn rất khỏe, dân làng không đủ cơm để nuôi. Các già làng, thầy cúng liền nấu cơm nếp, bắp, đậu củ mì dán lên lá cây trúc dể nhử voi đến ăn. Voi ăn đến đâu thì thầy cúng đọc thần chú đến đó để voi nhớ rằng đó chính là thức ăn của mình.

Ngày nay, trên miệng ngọn núi lửa này vẫn còn nước và cá sinh sống. Đồng bào M’nông, Ê đê trong vùng này vẫn giữ nguyên tên gọi của ngọn núi này là Nâm Kar (có nghĩa là núi cá). Truyền thuyết về núi lửa Nam Kar cũng chính là sự tích con voi mà người M’nông thường kể cho con cháu để nhắc nhở, giáo dục con cháu không tự ý xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên khi chưa được cho phép.

Theo Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVĐCTC, Ban đã sưu tầm được nhiều sự tích, truyền thuyết, văn hóa của cư dân bản địa, liên quan đến di sản địa chất. Những câu chuyện, truyền thuyết được gói gọn trong các sử thi, chuyện kể của các già làng, người uy tín am hiểu văn hóa truyền thống người M’nông, Ê đê kể lại. Mỗi sự tích, truyền thuyết đều lý giải các hiện tượng tự nhiên liên quan đến di sản địa chất và tầm ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống con người. Trên cơ sở đó, Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã cho xuất bản cuốn sách “Truyền thuyết Nâm Blang”. Cuốn sách được xuất bản và phát hành như một món quà nhỏ cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản địa chất trong tâm thức của người M’nông vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO