Đời sống

Đến với bà con, trẻ em vùng sâu, vùng xa bằng cả tấm lòng

Ngô Đồng - Linh Thư 22/06/2023 10:00

Trong hai ngày 23 và 24/6, Liên chi hội (LCH) Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Để hiểu thêm về hoạt động này, phóng viên Báo Đắk Nông đã trao đổi với tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch LCH Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh.

ADQuảng cáo
tim-3(1).jpg
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (giữa) cùng các bác sĩ trẻ can thiệp điều trị một ca bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM (Ảnh: Duyên Phan TT)

PV : Thưa bác, không như hoạt động khám chữa bệnh từ thiện của một số đơn vị khác là khám bệnh và cấp phát thuốc cho người dân, LCH lại chọn khám tầm soát bệnh tim cho trẻ em, vậy hoạt động này có ý nghĩa như thế nào?

BS Đỗ Nguyên Tín: Mọi hoạt động khám, chữa bệnh hay cấp phát thuốc cho người dân đều rất tốt, vì qua đó giúp phát hiện bệnh, giúp người dân vùng sâu, vùng xa đỡ được chi phí điều trị và tiếp cận được các bác sĩ giỏi.

2.png

Tuy nhiên, hoạt động của LCH Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP. Hồ Chí Minh có phần khác, vì đối tượng của LCH là trẻ em, nhất là trẻ hoàn cảnh khó khăn, khó tiếp cận được với y tế hiện đại. Bởi mỗi lần đi khám, các em cần phải có ba mẹ đi theo, trong khi ít gia đình có điều kiện dẫn trẻ đi khám với những bác sĩ chuyên ngành.

Mặc khác, LCH không bao quát mọi loại bệnh mà chỉ tập trung vào bệnh tim trẻ em, vì bệnh này khó chẩn đoán. Nếu không được tập huấn, phần lớn bác sĩ sẽ chẩn đoán không ra, bỏ sót, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, khó chữa trị. Mà nếu có thể can thiệp điều trị thì cũng rất khó khăn, tốn kém khá nhiều.

PV: Tần suất mắc bệnh tim bẩm sinh trẻ em ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu và y học nước nhà giải quyết chữa trị các bnh này ra sao, thưa bác sĩ?

tim-4(1).jpg
Những hoạt động thiện nguyện của LCH Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP. Hồ Chí Minh luôn có nhiều bác sĩ trẻ tham gia. Trong ảnh là bác sĩ Nguyễn Thành Thuận, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà, trong chuyến đi Khánh Sơn (Khánh Hòa) vào tháng 11/20222. (Ảnh: An Nhiên)

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín: Tần suất dị tật bẩm sinh tim trên thế giới và ở Việt Nam là giống nhau, khoảng 0,8%-1% số trẻ sinh sống. Nhưng thực tế ở Việt Nam, số trẻ bệnh khá nhiều vì khả năng phát hiện bệnh tim bẩm sinh của chúng ta còn hạn chế, chỉ tập trung được ở một số trung tâm lớn.

Còn những vùng không đủ điều kiện chuyên môn, trang thiết bị thì rất khó để chẩn đoán bệnh tim, nên hầu hết bỏ sót. Vì vậy, số lượng bệnh nhân phát hiện không phản ánh thực tế nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh trong cộng đồng. Do đó, qua những đợt khám tầm soát như thế này, LCH sẽ phát hiện sớm hơn, nhiều hơn những trường hợp bệnh tim bị bỏ sót.

ADQuảng cáo

Hiện nay, một số trung tâm lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, việc phẫu thuật, can thiệp điều trị bệnh tim bẩm sinh rất tốt. Bác sĩ có thể phát hiện bệnh sớm từ trong bào thai và có thể can thiệp điều trị bệnh ngay khi trẻ vừa ra đời.

Có thể nói, năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh tim hiện nay của Việt Nam đạt trình độ khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Vấn đề còn lại là khả năng phát hiện bệnh ra sao và chi phí điều trị như thế nào, đặc biệt khả năng theo đuổi của gia đình đối với những trẻ có bệnh tim phức tạp. Bởi sau khi phát hiện và điều trị xong, trẻ còn phải được theo dõi, phục hồi chức năng, mất rất nhiều thời gian và chi phí.

PV: Thời gian qua, LCH đã thực hiện tầm soát, điều trị bệnh tim miễn phí cho trẻ em ở nhiều địa phương. Vì sao LCH lại chọn tỉnh Đắk Nông cho chuyến đi lần này, thưa bác sĩ?

tim-1(1).jpg
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh phát hiện trong chuyến đi tầm soát ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) hồi tháng 4/2023 được điều trị thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: An Nhiên)

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín: LCH rất muốn đi khám mọi vùng miền của cả nước, nhưng hiện tại do năng lực còn hạn nên LCH chỉ ưu tiên chọn một số địa phương. Thứ nhất, đó là những nơi mà nhu cầu phát hiện và điều trị bệnh rất nhiều mà bệnh nhân chưa tiếp cận với những y tế hiện đại. Thứ hai đó những nơi bà con còn nghèo, khả năng chi trả cho một ca phẫu thuật hoặc can thiệp tim bẩm sinh còn hạn chế. Những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hoặc địa phương nhiệt tình ủng hộ thì LCH sẽ quan tâm nhiều hơn.

Đắk Nông là một tỉnh còn nghèo, y tế gặp nhiều khó khăn, phần lớn người dân còn nghèo, thu nhập thấp, không đủ khả năng đưa con cái đi những trung tâm lớn để khám hay điều trị. Vì những lý do này mà LCH chọn Đắk Nông để thực hiện ý nguyện, giúp phát hiện sớm những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, đưa trẻ về những trung tâm có điều kiện để điều trị, qua đó giúp các bé sớm trở về cuộc sống bình thường.

PV: Làm công tác chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu, rồi đi công tác nước ngoài thường xuyên, lịch làm việc rất căng thẳng và bận rộn, nhưng bác sĩ vẫn luôn có mặt trong những chuyến đi tầm soát. Vậy động lực nào để bác sĩ làm điều này ông muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ bác sĩ trẻ?

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín: Đúng ra là công việc chuyên môn của tôi khá nhiều, đủ lĩnh vực, nhưng quan trọng là mình phải biết sắp xếp cho công việc trôi chảy để còn thời gian đến với trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Việc khám tầm soát tim bẩm sinh cho trẻ em vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp cho bệnh nhân mà còn lan tỏa tinh thần "sống để yêu thương", "cho đi là còn mãi" đến với các bác sĩ trẻ. Có thể nói ngày nay các bác sĩ trẻ được học hành đầy đủ, họ có kiến thức tốt và tay nghề giỏi.

Vì điều này mà trong các chuyến đi từ thiện của LCH, chúng tôi thường huy động các bác sĩ trẻ tham gia. Họ sẽ tận mắt chứng kiến những mảnh đời cơ cực, thiệt thòi của người dân mình - đặc biệt đồng bào vùng sâu, vùng xa, để qua đó có cái nhìn nhân văn, bao dung và yêu thương bệnh nhân hơn.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến với bà con, trẻ em vùng sâu, vùng xa bằng cả tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO