Đời sống

Đền thờ Vua Hùng ở vùng biên giới Đắk Nông

Lê Phước 18/04/2024 05:37

Những người Phú thọ xa quê luôn hướng về nguồn cội và họ đã góp công, của xây dựng Đền thờ Vua Hùng trên quê hương thứ hai Đắk Nông.

Đau đáu với cội nguồn

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khoảng chục hộ dân ở vùng Phú Thọ vào xã Đắk Búk So, huyện Đắk R'lấp (nay là huyện Tuy Đức) lập nghiệp.

Giai đoạn năm 2002 - 2004, khoảng gần 50 hộ dân ở Phú Thọ tiếp tục đưa nhau đến xã Đắk Búk So. Theo thời gian, số lượng người Phú Thọ ở Đắk Búk So ngày càng đông lên.

Hầu hết những người Phú Thọ ở Đắk Búk So có quê ở huyện Lâm Thao. Trong số này, phần lớn là người dân ở xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao.

Thuở đầu vào Đắk Búk So, điều kiện kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn. Người dân đi lại tỉnh khác chủ yếu theo hướng quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), đoạn đi qua xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những người Phú Thọ ở Đắk Búk So không nguôi nỗi nhớ quê. Cộng đồng người Phú Thọ với hàng chục hộ dân thường tổ chức gặp mặt mỗi năm 2 lần: Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ Vua Hùng (10/3 âm lịch).

anh-flycam.jpg
Đền thờ Vua Hùng được xây dựng năm 2017 là mong mỏi từ lâu của nhiều người dân Phú Thọ ở Đắk Búk So

Theo anh Dương Văn Tiến, ở thôn 6, xã Đắk Búk So, ngày đó còn nhiều khó khăn nên chỉ có đại diện các hộ gia đình tham gia gặp mặt.

Những ngày tết, các gia đình chúc nhau những điều tốt đẹp. Còn vào dịp Giỗ Tổ, người dân làm cỗ, thắp nhang hướng về cội nguồn, cầu mong các Vua Hùng phù hộ cho người dân xa xứ.

“Những ngày đầu, cỗ dâng lên Vua Hùng khá đơn giản. Chúng tôi góp tiền rồi đi bộ ra chợ Đắk N’Drung để mua cái đầu heo để luộc, sắp lên mâm xôi dâng hương. Dù còn nghèo, cổ lạt thiếu thốn nhưng chúng tôi rất thành tâm hướng về cội nguồn”, anh Tiến chia sẻ.

Góp sức xây dựng đền thờ

Ngay từ những năm 2000, cộng đồng người Phú Thọ đã thành lập Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So. Nhiệm vụ của ban là duy trì sự kết nối của người dân đồng hương, thăm hỏi các dịp hiếu hỉ, động viên nhau lúc ốm đau, khen thưởng con cháu hiếu học…

Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Phú Thọ đều tổ chức thắp hương, cầu mong những điều tốt đẹp. Phần lớn những buổi lễ này được tổ chức nhờ ở nhà lãnh đạo ban liên lạc. Có những thời điểm thiếu cơ sở vật chất, việc tổ chức gặp mặt còn ở trên rẫy của các thành viên trong ban.

Trước việc cơ sở vật chất thiếu thốn, những người trong ban liên lạc đã nảy ra ý tưởng xây dựng 1 khu đất chung rộng rãi để cộng đồng cùng sinh hoạt. Ý tưởng này được ông Chử Văn Chúc, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So nêu ra năm 2012 và được các thành viên hưởng ứng cao.

anh-ngoi-den.jpg
Đền thờ Vua Hùng ở xã Đắk Búk So được xây dựng trang nghiêm theo phong cách cung đình

Trong năm 2012, bằng nguồn đóng góp của các thành viên, Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So đã mua lại một khu đất ở thôn 6, xã Đắk Búk So với mục đích làm Đền thờ Vua Hùng.

Khu đất này nằm trên một quả đồi cao, giáp với tỉnh lộ 6, thuộc sở hữu của 1 người dân đồng hương Phú Thọ. Khu đất này vừa được bán, vừa được hiến với tổng kinh phí 70 triệu đồng.

Sau khi mua đất, do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc xây đền chưa được thực hiện. Mãi đến đầu năm 2017, Đền thờ Vua Hùng mới chính thức được xây dựng trong thời gian 2 tháng. Ngôi đền được khánh thành đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm đó.

Ông Chúc được tín nhiệm làm Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So từ năm 2006 tới nay. Phần lớn người dân trong Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So đều cho rằng ông Chúc là người góp công lớn nhất để xây dựng ngôi đền. Tuy nhiên, ông Chúc cho rằng đây là công sức của cả tập thể.

ong-chuc.jpeg

“Việc xây dựng ngôi đền là mong ước của cả tập thể và tôi chỉ là người nêu ra ý tưởng, góp sức thực hiện. Từ lúc mua đất, xây dựng đền tới nay, mọi việc đều nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên trong hội đồng hương”, ông Chúc chia sẻ.

Ngôi đền được xây dựng trên khuôn viên rộng chừng gần 2.000m2. Trong đó, ngôi đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc cung đình cổ kính có diện tích khoảng 40m2, nằm trên khuôn viên sàn xây dựng gần 100m2. Tổng kinh phí xây dựng ngôi đền khoảng 500 triệu đồng.

Theo ông Chúc, việc xây dựng ngôi đền nhận được sự ủng hộ của người Phú Thọ và còn của cộng đồng các dân tộc khác. Vào thời điểm xây đền, mỗi hộ dân Phú Thọ đóng góp 3,5 triệu đồng.

a-img_3889.jpg
Ông Chúc là người góp công lớn xây dựng Đền thờ Vua Hùng ở xã Đắk Búk So

Hai hộ dân tự nguyện hiến 2m đất dọc tỉnh lộ 6 để mở rộng đường vào đền. Nhiều người dân quê ở các tỉnh khác cũng góp kinh phí, dâng lễ để xây dựng ngôi đền.

Ông Chúc kể, nhiều người đến tận Đền Hùng ở Phú Thọ để xin đất, xin nước, rước chân hương vào thờ. Những đồ rồng trang trí trên mái đền thì được chúng tôi đặt mua ở Huế.

gio-to-ban-mau.jpg
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Các đồ đồng thờ cúng bên trong thì chúng tôi lên chọn ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ai cũng mong có đền thờ linh thiêng, trang nghiêm nhất.

Trở thành không gian sinh hoạt chung

Dịp khánh thành ngôi đền vào đúng Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 được tổ chức trang nghiêm. Buổi lễ thu hút khoảng 600 - 700 người trong và ngoài xã Đắk Búk So đến dự, dâng lễ, thắp hương thành kính.

Đây được đánh giá là buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức bài bản, trang nghiêm và số lượng người dân tự nguyện tham gia đông nhất ở Đắk Nông từ trước tới nay.

Sau buổi lễ, ngôi đền trở thành mái nhà chung cho người dân Phú Thọ nói riêng, đồng bào các dân tộc địa phương nói chung. Ngôi đền từng bước được tôn tạo đường sá, khuôn viên, tường rào.

a-img_3879.jpg
Người dân Phú Thọ ở Đắk Búk So chuẩn bị cờ tại khu vực Đền thờ Vua Hùng

Vào các ngày nghỉ, nhiều người dân thường tranh thủ đến đền để hàn huyên, góp sức dọn dẹp sạch sẽ. Trong khuôn viên ngôi đền còn được cải tạo 1 sân chơi bóng chuyền để người lớn, trẻ nhỏ có không gian để tập luyện, thi đấu thể thao.

Hàng tháng, ngôi đền mở cửa vào ngày rằm và mùng một âm lịch để mọi người đều có thể vào dâng hương. Vào dịp Giỗ Tổ, ngoài việc dâng lễ cúng bái, người dân tổ chức các chương trình trò chơi, văn nghệ giao lưu.

Theo UBND xã Đắk Búk So, vào năm 2022, chính quyền đã công nhận hoạt động của Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So. Hiện UBND huyện Tuy Đức đã làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 1.824,9m2 tại khu vực Đền thờ Vua Hùng cho cộng đồng người dân. Dự kiến trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024, chính quyền sẽ trao giấy chứng nhận cho bà con.

Ông Chúc cho biết, những năm gần đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã dần trở thành ngày gặp mặt chung của bà con cùng sống trong khu vực.

Những người dân đến Đắk Nông lập nghiệp và xem đó là quê hương thứ hai của mình có dịp gần gũi, chia sẻ với nhau, phát huy bản chất tốt đẹp của người Việt.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tạo tường rào, cổng ngõ, sân bê tông để đền thờ ngày càng sạch đẹp. Hy vọng trong tương lai gần, ngôi đền sẽ là điểm đến của nhiều người dân, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá của con cháu các thế hệ Vua Hùng”, ông Chúc chia sẻ.

Một số hình ảnh của Đền thờ Vua Hùng tại xã Đắk Búk So:

anh-flycam(1).jpg
Đền thờ Vua Hùng nằm trên một quả đồi cao ở xã Đắk Búk So
img_3864.jpg
Đền thời được xây dựng theo phong cách cung đình
img_3873.jpg
Trên mái đền có trang trí rồng vàng
img_3850.jpg
Những bức tượng rồng trên mái được đặt từ Huế đưa vào
a-img_3904.jpg
Trang thờ trong đền được bài trí trang nghiêm theo phong cách Đền thờ Vua Hùng ngoài Bắc
img_3910.jpg
Nước, đất và lư đồng được rước từ Đền thờ Vua Hùng Phú Thọ vào thờ
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đền thờ Vua Hùng ở vùng biên giới Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO