Theo đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về tội phạm và hình phạt. Trong đó có quy định chung về tội phạm và các tội phạm cụ thể để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi tội phạm xảy ra; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 03 phần, 25 chương, 411 điều; so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), đã bỏ 01 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều luật, bổ sung 03 điều luật mới (Điều 220. Tội vi phạm quy định về xử lý chất thải thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; Điều 242. Tội sử dung trái phép chất ma túy; Điều 40. Tù chung thân không xét giảm án), sửa đổi, bổ sung 231 điều luật, cụ thể là: sửa đổi, bổ sung về nội dung đối với 50 điều luật, trong đó 08 điều luật liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình, 02 điều luật để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập. Đối với các điều luật khác chỉ sửa đổi, điều chỉnh mức định lượng là tiền để làm căn cứ định khung hình phạt và hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.
![]() |
Xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế. |
Dự thảo Bộ Luật này đã nâng định lượng là tiền đối với các tội danh có định lượng là tiền làm căn cứ định tội, định khung hoặc có hình phạt tiền thì nâng gấp 02 mức số tiền so với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (tham chiếu mức lương cơ sở tăng 2,04 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,02 lần của năm 2025 so với năm 2015).
Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 06 tội gồm: tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và tội sản xuất trái phép chất ma túy để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các tội này, góp phần ngăn chặn ngay từ đầu, không để tội phạm gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.
Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với 09 tội gồm: tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác; tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán niêm yết chứng khoán; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế và tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các tội này do pháp nhân thương mại thực hiện; đáp ứng yêu cầu các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đáng chú ý, dự thảo Bộ luật sửa đổi nội dung liên quan đến tử hình: dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể:
- Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”;
- Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
- Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”;
- Tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý”;
- Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược”;
- Tội gián điệp;
- Tội tham ô tài sản;
- Tội nhận hối lộ.
Ngoài ra, dự thảo Bộ luật đã sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình, như: Bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 02 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình nhằm tạo điều kiện, khuyến khích người bị kết án tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác; tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý tội phạm; bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước. Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.
Nâng mức hình phạt tù, tiền đối với một số tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, ma túy nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai...