Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra

07/12/2024 17:45

Cần phải sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra.

Thẩm tra sơ bộ Báo cáo số 726/BC-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh nhằm bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra. 

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 1.
Toàn cảnh phiên họp

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chínhcủa một số chức danh

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện trách nhiệm thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính và căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ thanh tra, có rất nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, khi chức năng, nhiệm vụ này có sự thay đổi trên cơ sở hệ thống pháp luật về thanh tra đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế dẫn đến cũng kéo theo chức năng, nhiệm vụ về xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh này cũng có sự thay đổi theo.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 2.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho biết, hiện nay, công tác xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương gặp phải một số khó khăn. 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, ngày 17/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Nghị quyết số 20/NQ-CP).

Trong đó, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau khi các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể (Mục 3 Nghị quyết số 20/NQ-CP).

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 3.
Các đại biểu tham gia phiên họp

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã nêu rõ các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm chức danh. 

Cụ thể: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật xử phạt vi phạm hành chính, cần xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thuộc trường hợp phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật xử phạt vi phạm hành chính;..

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 4.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chức danh

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời việc triển khai thực hiện quy định của Luật Thanh tra năm 2022 đã dẫn đến việc thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ đó phát sinh một số khó khăn trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. 

Vì vậy, các ý kiến đều tán thành việc cần phải sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 5.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, hiện nay các cơ quan đang thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương, sau khi thực hiện sắp xếp, chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan sẽ có sự thay đổi. 

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra nên cân nhắc về thời điểm thực hiện đảm bảo phù hợp, đồng bộ.

Về cơ sở pháp lý, theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 “Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. 

Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do có sự thay đổi và nhiệm vụ, quyền hạn là bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo quy định của luật.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 6.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Về nội dung cụ thể, đối với các chức danh trước đây có thẩm quyền xử phạt và thuộc cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thì không còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, các ý kiến tán thành đề xuất của Chính phủ bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 chức danh gồm: Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; Chủ tịch Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế.

Liên quan tới Nhóm chức danh mà pháp luật hiện hành (ngoài quy định của pháp luật về thanh tra) có quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ như chức danh thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa (Điều 72 của Luật Giao thông đường thủy nội địa); chức danh thuộc Cảng vụ hàng hải (Điều 92 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam); Giám đốc Cảng vụ hàng không, Trưởng đại diện cảng vụ hàng không (Điều 60 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam)... nhiều ý kiến tán thành việc giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 7.
Đại diện các bộ, ngành tham dự phiên họp

Đối với Nhóm chức danh mà pháp luật hiện hành (ngoài quy định của pháp luật về thanh tra) không quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Ví dụ như: Thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ khu vực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam (Điều 83 của Luật Đường bộ chỉ quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra đường bộ, trong khi theo pháp luật về thanh tra hiện nay cơ quan quản lý đường bộ khu vực không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành); 

Chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam (theo Quyết định số 723/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì Chi cục đường thủy nội địa có nhiệm vụ và quyền hạn xử phạt vi phạm hành chính nhưng gắn với thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa, hiện nay Chi cục không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành);... 

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 8.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng

Qua rà soát, trong nhóm chức danh này gồm các chức danh tại các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và các chức danh tại các cơ quan, tổ chức không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Do đó, các đại biểu cho rằng, xử phạt vi phạm hành chính là công cụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước (trong đó có hoạt động thanh tra), giúp cho hoạt động quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Vì vậy, cơ bản tán thành việc tiếp tục giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh tại các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính được kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Đối với những cơ quan, tổ chức không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, mà chỉ là cơ quan tham mưu (như các Chi cục thuộc Sở trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu trên), đề nghị cân nhắc việc tiếp tục giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. 

Vì các cơ quan tổ chức này không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và cũng không trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước thì khó có cơ sở để phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp, qua hoạt động mà phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì các cơ quan, tổ chức này có thể chuyển hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt, do đó vẫn bảo đảm việc xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 9.
Đại diện các bộ, ngành phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra, đối với các chức danh là Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thì không còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nhưng có cơ quan thanh tra trực thuộc. 

Nhóm này có 12 chức danh, Chính phủ đề xuất giữ 11/12 chức danh, bỏ 01/12 chức danh.

Qua rà soát, 11 chức danh Chính phủ đề xuất giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan, tổ chức này đều có nhiệm vụ, quyền hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành (ngoài quy định của pháp luật về thanh tra). 

Vì vậy, các đại biểu đều tán thành đề xuất giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thủ trưởng các cơ quan này.

Việc giữ thẩm quyền xử phạt của các chức danh này cũng tránh được tình trạng phải chuyển hồ sơ lên cơ quan cấp trên khi vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trực thuộc, bảo đảm tính kịp thời trong xử lý vi phạm hành chính.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra- Ảnh 10.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Cân nhắc thời điểm thực hiện phù hợp, khả thi, đồng bộ với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp các ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với phân cấp phân quyền, giảm bớt các thủ tục hành chính không hiệu quả. 

Đồng thời, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do có sự thay đổi và nhiệm vụ, quyền hạn là bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo quy định của luật.

Bên cạnh đó, về cơ bản các ý kiến cũng thống nhất với nhiều đề xuất của Chính phủ như: không quy định tiếp tục quy định thẩm quyền xử phạt đối với 06 chức danh; thống nhất cao với 31 chức danh trong 04 nhóm đề xuất;... 

Ngoài ra, về thời điểm thực hiện, Chính phủ xem xét cân nhắc quyết định lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp, khả thi, đồng bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Thường trực Uỷ ban Pháp luật trên cơ sở kết quả phiên họp thẩm tra sơ bộ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra; gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban để tổng hợp. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này theo đúng quy định./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-sua-doi-bo-sung-tham-quyen-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thanh-tra-119241207174539958.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-sua-doi-bo-sung-tham-quyen-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thanh-tra-119241207174539958.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO