Qua tổng kết và khảo sát thực tiễn việc triển khai thực hiện Thông tư số 29/2019/TT-BCA đến thời điểm hiện nay cho thấy: Qua sáu năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng. Thanh tra Bộ và Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương đã mở hồ sơ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đối với 850 kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, tiến hành 157 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.
Qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ban hành đều được thực hiện nghiêm túc, triệt để; trên cơ sở đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra của lực lượng CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Căn cứ ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BCA là Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra đã hết hiệu lực thi hành. Theo quy định tại Thông tư số 29/2019/TT-BCA, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra mới chỉ thực hiện trong Công an nhân dân. Đối với các kết luận thanh tra chuyên ngành, Bộ Công an chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của các Bộ, ban, ngành, UBND cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài lực lượng CAND.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra CAND.
Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 05 chương, 26 điều; về cơ bản, các quy định trong dự thảo đã kế thừa các quy định tại Thông tư số 29/2019/TT-BCA, chỉnh sửa, viện dẫn những điều luật mới của Luật Thanh tra năm 2022.
Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân. |
Một số nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư, gồm:
Đối tượng điều chỉnh mở rộng thêm là các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài lực lượng Công an nhân dân; giải thích cụ thể các chủ thể Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân; Thủ trưởng Công an cùng cấp cơ quan thanh tra và đối tượng thực hiện kết luận thanh tra cho cụ thể, rõ ràng.
Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong CAND, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung "phải có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ trưởng Công an cùng cấp để chỉ đạo việc thực hiện đối với các kiến nghị trong kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng Công an cùng cấp" để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Thanh tra.
Bổ sung trách nhiệm của Thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra "phải có ý kiến chỉ đạo tại văn bản kiến nghị, đề xuất của Thủ trưởng cơ quan thanh tra về việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra; xử lý hoặc yêu cầu xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế, khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật" theo quy định tại Điều 103 Luật Thanh tra.
Bổ sung trách nhiệm của đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra trong và ngoài lực lượng CAND; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra phải thực hiện kết luận thanh tra; yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn ghi trong kết luận thanh tra cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 104 Luật Thanh tra năm 2022. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra; văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định tại khoản 3, Điều 104 Luật Thanh tra năm 2022.
Đáng chú ý, so với Thông tư số 29/2019/TT-BCA, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung mới quy định việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra nhằm khắc phục những hạn chế trong thực tiễn áp dụng, bảo đảm tính răn đe đối với đối tượng thanh tra, cán bộ chiến sĩ CAND cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thực tế.
Việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra của lực lượng CAND, nâng cao ý thức trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, Thủ trưởng Công an các cấp cũng như cán bộ chiến sĩ trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, dự thảo Thông tư viện dẫn các nội dung quy định Nghị định số 43/2023/NĐ-CP liên quan đến xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra và riêng đối với cán bộ, chiến sĩ CAND thì theo quy định về xử lý cán bộ của Bộ Công an trong lĩnh vực Thanh tra.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 60 ngày. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.