Dự thảo Nghị định gồm 05 chương, 44 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (sau đây gọi chung là cưỡng chế), trách nhiệm thi hành và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.
Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài bị XPVPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính; người có thẩm quyền, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành cưỡng chế và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định rõ việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính phù hợp với điều kiện thực tế của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Bên cạnh đó, những tài sản không được kê biên gồm:
- Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú;
- Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng;
- Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng;
- Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen;
- Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh;
- Tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.
Cùng với đó, khi có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tiền bạc, tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú hoặc công tác, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền bạc, tài sản.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế sau khi đã vận động, giải thích, thuyết phục nhưng không có hiệu quả thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế. Cá nhân bị cưỡng chế mà chưa thực hiện hoặc trốn tránh thực hiện thì bị đưa vào diện chưa được xuất cảnh…
Toàn văn Dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng.