Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quy định về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật hiện được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và các văn bản có liên quan.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 06 năm thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, việc áp dụng Nghị định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do: Đối tượng hỗ trợ chưa bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; mức hỗ trợ chưa phù hợp với chi phí thực tế trong sản xuất, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng động vật.
Bên cạnh đó, điều kiện hỗ trợ chưa khả thi, nhất là đối với dịch bệnh có tính chất nguy hiểm, lây lan nhanh, ở phạm vi rộng trong thời gian rất ngắn, dịch bệnh lây sang người nên yêu cầu phải phát hiện, xử lý triệt để ngay từ khi dịch bệnh mới phát hiện, ở phạm vi nhỏ, hẹp; trình tự, thủ tục hỗ trợ phức tạp, không phù hợp thực tế nên sau khi dịch bệnh động vật xảy ra nhiều tháng, nhiều năm vẫn không thực hiện được, gây bức xúc cho người dân và dẫn tới việc không hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; không có quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật do thường xuyên xuất hiện bệnh mới từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam (đường biên giới dài với các nước, tình trạng buôn bán, nhập lậu, vận chuyển trái phép chưa được xử lý chấm dứt; thực hiện các hiệp đình, giao thương, buôn bán động vật, sản phẩm động vật với các nước); việc chẩn đoán, xác định chính xác các loại mầm bệnh mới cần thời gian, nhiều khi phải gửi mẫu đi nước ngoài để phân tích, nên chưa thể công bố dịch theo quy định.
Tuy nhiên, để dập tắt và ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng, giải pháp quan trọng, ít tổn thất về kinh phí là buộc phải tiêu hủy đàn vật nuôi mắc bệnh; đặc biệt khi có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người cần phải tiêu hủy đàn vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh (nhưng đang còn giai đoạn ủ bệnh, chưa có biểu hiện bệnh lâm sàng) hoặc đàn vật nuôi có nguy cơ cao ở khu vực xung quanh đàn vật nuôi mắc bệnh.
Thêm vào đó, tại Việt Nam, chăn nuôi, nuôi trồng nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao, điều kiện chưa bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, dẫn đến dịch bệnh thường bắt đầu xuất hiện từ đối tượng này; nhiều hộ, cơ sở chăn nuôi thực tế chưa để đáp ứng các điều kiện để được hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, nhưng nếu không hỗ trợ và xử lý dứt điểm ổ dịch ngay từ sớm, từ khi còn ở phạm vi hẹp, dịch bệnh có thể nhanh chóng lây lan, gây tốt rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ, xử lý tiêu hủy động vật khi chưa đủ điều kiện công bố dịch.
Riêng đối với động vật thủy sản, người nuôi luôn gặp khó khăn nếu muốn được hưởng hỗ trợ do nguyên nhân dịch bệnh (ban đầu có dịch bệnh, sau đó thủy sản bị chết sẽ phân hủy nhanh, gây ô nhiễm cả vùng nuôi và gián tiếp gây chết trên diện rộng), hơn nữa việc xác định được diện tích, mức độ dịch bệnh là rất khó khăn do tập tính ăn thịt đồng loại của một số động vật thủy sản.
Mặc dù đáp ứng các điều kiện công bố dịch nhưng để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu, các địa phương lựa chọn không công bố dịch. Mặt khác, nhiều dịch bệnh gây chết hàng loạt nhưng không thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch nên khó khăn cho việc đề xuất hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, dẫn đến thiệt hại kinh tế của người nuôi, nhiều hộ sau khi dịch bệnh không có khả năng khôi phục sản xuất; việc tiêu hủy thủy sản bị bệnh vất vả, tốn kém, nhưng nếu không xử lý triệt để, nguy cơ lây lan cao.
Cần đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh động vật trong thời gian tới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tại nước ta có nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật (Cúm gia cầm, Dại, Nhiệt thán, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Tai xanh,... và các dịch bệnh thủy sản (Đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hoại tử thần kinh, gan thận mủ), có tính chất lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.
Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ (hiện vẫn chiếm trên 70%), điều kiện chưa đáp ứng theo quy định; việc xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh được thực hiện chủ yếu bằng hình thức tiêu hủy.
Yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh là phải xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, chưa đủ điều kiện công bố dịch nhằm giảm tổn thất kinh tế cho người dân, ngân sách nhà nước, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng.
Công tác phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có lực lượng thú y cơ sở (không được trả lương, chỉ được trả phụ cấp với mức giao động từ 0,3 - 1,0 mức lương cơ bản), cần thuê lực lượng lao động phổ thông để tổ chức thực hiện khử trùng, tiêu độc, vận chuyển, tiêu hủy động vật bệnh, chết, xử lý môi trường, tiêm vắc xin bao vây ổ dịch. Những công việc này đòi hỏi nhiều công sức, có nguy cơ tổn hại sức khỏe, thậm chí có thể bị tai nạn, nhiễm các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Do đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi và lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng, cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.