Đề xuất quy định mới về chế độ thai sản

09/12/2024 12:40

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó đề xuất về chế độ thai sản.

Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản (Điều 8)

Luật Bảo hiểm xã hội: Điều 50. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ;

d) Lao động nữ nhờ mang thai hộ;

đ) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

e) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

g) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.

2. Đối tượng quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

3. Đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnhthuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con.

4. Đối tượng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 53, 54, 55 và 56 và các khoản 1, 2 và 3 Điều 58 của Luật này. Thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

5. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Lao động nữ sinh con thuộc trường hợp trước đó phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.

2. Thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Ví dụ 9: Chị Th sinh con ngày 10/10/2025, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025.

Ví dụ 10: Chị A sinh con ngày 18/01/2026, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính như sau:

- Nếu tháng 01/2026 có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì 12 tháng trước khi sinh tính từ tháng 02/2025 đến tháng 01/2026.

- Nếu tháng 01/2026 không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì 12 tháng trước khi sinh tính từ tháng 01/2025 đến tháng 12/2025.

Ví dụ 11: Chị C có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục từ năm 2010 đến tháng 8/2025. Do hiếm muộn, chị C xin nghỉ việc để đi điều trị vô sinh, chị C có thai và sinh con ngày 14/01/2027.

Chị C thuộc trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh, trong khoảng thời gian 24 tháng trước khi sinh (tính từ tháng 01/2025 đến tháng 12/2026) có 08 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, chị C đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

3. Trong thời gian trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để đi khám thai, sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 51, 52 và 57 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (Điều 9)

1. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ.

b) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện quy định tại quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ.

c) Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người cha.

Trường hợp người cha không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng trợ cấp thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ.

d) Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng người mẹ nhưng không đủ điều kiện quy định tại quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người cha.

đ) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người cha.

2. Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 51, Điều 52, khoản 2 Điều 53 và Điều 57 của Luật Bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian trùng với thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ; thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 51, Điều 52, khoản 2 Điều 53 và Điều 57 của Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Việc tính thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

b) Thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

c) Trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi trở lại làm việc được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ khi trở lại làm việc lao động nữ được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả và tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo mức quy định tại Điều 59 của Luật Bảo hiểm xã hội; người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian người lao động trở lại làm việc.

d) Trường hợp người cha, lao động nữ nhờ mang thai hộ, người chồng của lao động nữ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội; người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian hưởng chế độ thai sản.

4. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 3 Điều này, được ghi theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.

Trợ cấp thai sản (Điều 10)

Trợ cấp thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính trợ cấp thai sản là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.

Trường hợp tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.

2. Đối với người lao động hưởng trợ cấp thai sản theo quy định tại Điều 51, Điều 52, các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 53, các khoản 1, 2 và 4 Điều 54, khoản 2 Điều 55 và Điều 57 của Luật Bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chính tháng đó.

3. Mức hưởng chế độ thai sản của người lao động không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng.

 Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản (Điều 11)

1. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Đối với lao động nữ trong một năm vừa nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52 của Luật Bảo hiểm xã hội; vừa nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với mỗi trường hợp không quá thời gian tối đa quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội:

Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản

1. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 của Luật này, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp hai bên có ý kiến khác nhau thì người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) 05 ngày đối với trường hợp khác.

3. Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.

4. Không áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản.


Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-che-do-thai-san-119241209123516754.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-che-do-thai-san-119241209123516754.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất quy định mới về chế độ thai sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO