Đề xuất người bị thu hồi đất được chọn nơi tái định cư
Người dân bị thu hồi đất được chọn nơi tái định cư theo thứ tự ưu tiên, trước hết tại cùng xã, phường, thị trấn, theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Dự luật nêu, khi xã không có địa điểm bố trí tái định cư, người dân có đất bị thu hồi được chọn nơi ở mới cùng quận, huyện, thị xã, thành phố. Nếu cùng quận, huyện không có nơi tái định cư, người dân được chọn sống ở địa bàn khác có điều kiện tương đương. Đây là điểm mới trong dự thảo lần bốn Luật Đất đai sửa đổi, so với các dự thảo trước đây.
Với phương án này, đơn vị làm nhiệm vụ bố trí tái định cư phải thông báo cho người dân về việc chuyển chỗ ở ít nhất 15 ngày, niêm yết tại trụ sở ủy ban xã, điểm sinh hoạt chung của cư dân, nơi tái định cư trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái định cư. Nội dung gồm: địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà.
Người có đất ở bị thu hồi để làm dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị, dự án nhà ở thì được bố trí tái định cư tại chỗ. Trường hợp thu hồi đất làm dự án khác, người dân được tái định cư tại chỗ nếu có quỹ đất, quỹ nhà; ưu tiên vị trí thuận lợi để họ kết hợp kinh doanh dịch vụ.
Nếu người có đất ở bị thu hồi mà tiền bồi thường không đủ mua một suất tái định cư tối thiểu thì Nhà nước hỗ trợ đủ tiền để mua. Chính phủ sẽ quy định suất tái định cư tối thiểu phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Dự thảo mới cũng giải thích nguyên tắc Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Cụ thể, các khu tái định cư phải đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật; đường kết nối với khu vực lân cận; điện chiếu sáng và sinh hoạt; hệ thống cấp thoát nước; thông tin liên lạc; xử lý môi trường. Khu tái định cư phải có trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa, địa điểm chơi thể thao, chợ, khu thương mại dịch vụ. Nơi ở mới cần phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng miền.
Thảo luận tại Quốc hội tháng 11/2022, ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó ban Công tác đại biểu) cho rằng, thiệt hại mà người dân gánh chịu khi bị thu hồi đất không chỉ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, mà còn vấn đề sinh kế. Do đó, người dân và doanh nghiệp khi bị thu hồi đất, ngoài được bồi thường theo quy định, cần được xem xét hỗ trợ thêm.
Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu đề nghị bổ sung cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống. Việc này nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4, diễn ra vào tháng 10/2022 và được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp.