Đề xuất miễn giấy phép hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử (Hình từ Internet)
Đề xuất miễn giấy phép hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử
Theo khoản 1 Điều 11 Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định) o Bộ Tài chính soạn thảo, đề xuất miễn giấy phép hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử theo 2 phương án, cụ thể như sau:
*Phương án 1:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn giấy phép, miễn điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo quyết định của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
**Phương án 2:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn giấy phép, miễn điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo đơn hàng từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng hoá thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 48.000.000 đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.
Ưu và nhược điểm của các phương án
Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định, ưu và nhược điểm đối với các phương án đề xuất miễn giấy phép hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử:
- Đối với Phương án 1:
Ưu điểm: Giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành danh mục nên tùy thuộc vào tình hình cụ thể, các Bộ ngành có thể ban hành danh mục, sửa đổi, bổ sung danh mục phù hợp với từng thời kỳ. Quy định này tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP và Nghị định 74/2018/NĐ-CP:
‘p) Các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) theo quyết định của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực’.
Nhược điểm: Trong trường hợp Nghị định có hiệu lực thi hành các Bộ chưa ban hành Danh mục thì việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử chỉ được thực hiện theo các quy định hiện hành (quy định tại khoản a điều 11 Nghị định này) mà không có chính sách mặt hàng riêng đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
- Đối với phương án 2:
Ưu điểm: Ngay sau khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành được áp dụng cùng thời điểm với hiệu lực thi hành của Nghị định. Đồng thời các quy định này cũng tương đồng với quy định miễn kiểm tra chuyên ngành tại Điều 22 Nghị định 85/2019 NĐ-CP.
Nhược điểm: Phương án này căn cứ vào trị giá hải quan để miễn kiểm tra chuyên ngành mà không căn cứ theo tính chất, công dụng của hàng hóa.
Đối với phương án 2 giữ nguyên định hướng như dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ tại công văn số 6289/BTC-TCHQ ngày 20/6/2023 của Bộ Tài chính chỉ điều chỉnh phù hợp với quy định về định mức miễn thuế tại Điều 12, do vậy, Bộ Tài chính lựa chọn phương án 2.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử
Lê Quang Nhật Minh