Đề xuất đầu tư giao thông kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận
Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 4/2025, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Mạnh cung cấp một số thông tin liên quan đến việc đề xuất định hướng quy hoạch, đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối 3 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Theo đó, thời gian qua, Sở Xây dựng đã chủ động tham mưu báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận các nội dung liên quan đến định hướng quy hoạch, đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối 3 tỉnh.
Cụ thể, ngày 8/4/2025, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Văn bản số 2126/UBND-KT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét, bổ sung tuyến cao tốc nối các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận vào quy hoạch mạng lưới cao tốc quốc gia. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã phối hợp làm việc với UBND 2 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và đã thống nhất cùng đề xuất Bộ Xây dựng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.

Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng (cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu đề xuất) đã xây dựng báo cáo phương án quy hoạch và tổ chức làm việc với Sở Xây dựng Đắk Nông, Bình Thuận để thảo luận lấy ý kiến góp ý.
Báo cáo đề xuất đang được hoàn thiện để tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng gửi tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận thống nhất cùng báo cáo đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận với tiến trình chuẩn bị đầu tư giai đoạn trước năm 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn sau năm 2030.

Bên cạnh đó, 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng cũng đã thống nhất trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng), kết nối liên vùng Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Theo đó, tuyến đường quy hoạch sẽ được xây dựng mới kết nối từ cửa ngõ TP. Gia Nghĩa (giao với đường trục giao thông Bắc Nam) thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông, đi qua sông Đồng Nai và nối vào Quốc lộ 55 tại địa phận huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Quy mô đầu tư dự kiến xây dựng mới khoảng 10km đường cấp III - miền núi và 1 cầu lớn vượt sông Đồng Nai (tỉnh Đắk Nông dài khoảng 3,5km, tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 6,5km).
Hiện tại, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Công ty TNHH xây dựng Chitchareune chi nhánh Việt Nam nghiên cứu, khảo sát để đề xuất thực hiện Dự án với hình thức PPP (tại Văn bản số 7317/UBND-KT ngày 28/11/2024).

Thời gian tới, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề nghị UBND 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận tiếp tục phối hợp cùng báo cáo, đề xuất Trung ương chấp thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện dự án.
Về Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28, theo lãnh đạo Sở Xây dựng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận. Tuy nhiên, do tuyến đường được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng từ lâu nên đã xuống cấp, quy mô nhỏ hẹp, không bảo đảm an toàn giao thông, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông đã chủ trì phối hợp xây dựng dự thảo báo cáo phương án đầu tư; đồng thời làm việc, thảo luận với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận hoàn thiện dự thảo báo cáo đề xuất phương án đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28 đoạn qua Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã hoàn thiện tham mưu UBND tỉnh dự thảo văn bản báo cáo, đề xuất của 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận cùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xem xét, hỗ trợ kinh phí Trung ương triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 28, với chiều dài khoảng 308,3km, quy mô đường cấp III, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 7.700 tỷ đồng.

Trong trường hợp chưa cân đối được đủ nguồn vốn để đầu tư toàn tuyến, đề nghị phân kỳ ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28 đoạn Phan Thiết - Di Linh - Gia Nghĩa, chiều dài khoảng 197,3km với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.900 tỷ đồng nhằm giúp địa phương từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập...