Đề xuất đánh giá sàng lọc cán bộ, công chức 2025 (Hình ảnh từ Internet)
Bộ Nội vụ đang Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đề xuất đánh giá sàng lọc cán bộ, công chức 2025
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã bổ sung một chương riêng quy định về vị trí việc làm, bao gồm 4 điều:
- Điều 11 về vị trí việc làm và phân loại vị trí việc làm
- Điều 12 về căn cứ xác định vị trí việc làm
- Điều 13 về thay đổi vị trí việc làm
- Điều 14 về nội dung quản lý về vị trí việc làm
Theo đó, Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc theo nguyên tắc cạnh tranh.
Cụ thể, tại Điều 26 Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đề xuất đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc và thực hiện chính sách đối với công chức.
Theo đó, việc thực hiện đánh giá, sàng lọc được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) như sau:
(1) Việc đánh giá phải căn cứ vào các nội dung cơ bản sau đây:
- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
- Căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm, bảng mô tả công việc, kế hoạch công tác hàng năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ bằng sản phẩm cụ thể, tiến độ và chất lượng;
- Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
- Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
(2) Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 26 Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
- Tiến độ, chất lượng công việc của đơn vị phụ trách;
- Năng lực lãnh đạo, quản lý;
- Năng lực tập hợp, đoàn kết.
(3) Thời điểm đánh giá được thực hiện vào cuối năm dương lịch. Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
(4) Kết quả đánh giá là căn cứ để xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xét chuyển vào vị trí việc làm cao hơn, bổ nhiệm, nâng lương, thực hiện khen thưởng.
Căn cứ vào quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 27 Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ban hành, phân cấp ban hành quy chế đánh giá công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Như vậy, theo dự thảo Luật thì Bộ Nội vụ đã đề xuất thời điểm đánh giá được thực hiện vào cuối năm dương lịch. Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Xem thêm Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).