Đề xuất cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên của Hội đồng Giáo sư cơ sở

14/03/2024 08:36

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm đề xuất cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên của Hội đồng Giáo sư cơ sở sẽ khách quan hơn, công tâm hơn khi mà 100% hoặc đa số các thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở đều là người của cơ sở giáo dục đại học.

Đề xuất cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên của Hội đồng Giáo sư cơ sở- Ảnh 1.
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Một trong những yêu cầu mà Trung ương đặt ra là xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên cứ mỗi dịp xét chức danh GS, Phó GS (GS, PGS), trên các diễn đàn lại xuất hiện nhiều luồng dư luận về các ứng viên, trong đó có dư luận phản ánh về chất lượng đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư Việt Nam. Làm thế nào để nâng cao chất lượng Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam?

Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014, 2014-2019.

Những thành tựu đạt được của đất nước trong đó có sự đóng góp xứng đáng của các thế hệ trí thức, các Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam

PV: Là nhà khoa học được công nhận chức danh Giáo sư từ năm 2002 và đã trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục đại học lớn, đã tham gia ủy viên Hội đồng Giáo sư Ngành Luật và ngành Khoa học An ninh từ năm 2004, là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014, 2014-2019, xin Giáo sư cho biết những cái được cơ bản về xét, công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Từ năm 1976, ở Nhà nước ta đã chủ trương đào tạo trên đại học trong cả nước. Một số trường, cơ sở đào tạo lớn bắt đầu đào tạo Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) là mốc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nền giáo dục đại học ở Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực bậc cao. Nhà nước Việt Nam chủ trương phong hàm, công nhận, bổ nhiệm Giáo sư (professor), Phó Giáo sư (associate professor) cho đội ngũ nhà giáo và các nhà khoa học. Điều này có ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp đào tạo sau đại học.

Năm 1980 lần đầu tiên Nhà nước ta đã xét phong giáo sư, phó giáo sư lần đầu tiên. Thay mặt Hội đồng Chính phủ, ngày 29/4/1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định công nhận chức vụ khoa học giáo sư cho 83 người và phó giáo sư cho 347 người

Tính đến năm 2023, việc xét phong giáo sư, phó giáo sư đã có lịch sử 43 năm.

Tính đến năm 2023, việc xét phong giáo sư, phó giáo sư đã có lịch sử 43 năm. Thống kê đến hết năm 2023 cho thấy Hội đồng giáo sư nhà nước đã công nhận 15.634 giáo sư, phó giáo sư. Như vậy cùng với 29 giáo sư được Nhà nước phong chức danh trước năm 1980, Việt Nam có 15.663 giáo sư, phó giáo sư.

Gần 80 năm qua quy mô giáo dục của Việt Nam phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên ở tất cả các cấp học: giáo dục trẻ mầm non, giáo dục phổ thông.

Chất lượng đào tạo đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có bước chuyển lớn. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực, trong những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước gần 80 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao, mà đa số được đào tạo trong nước.

Những thành tựu đạt được của Việt Nam, trong đó có Khoa học và công nghệ Việt nam và Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong gần 80 năm qua là công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta và sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của các thế hệ trí thức, các Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam. Thành tích to lớn này là không thể phủ nhận.

PV: Nhưng vì sao cứ mỗi dịp xét chức danh GS, Phó GS (GS, PGS), trên các diễn đàn lại xuất hiện nhiều luồng dư luận về các ứng viên. Thậm chí đã xuất hiện diễn đàn "Liêm chính khoa học" về vấn đề này?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thực hiện "3 thật": học thật, thi thật, nhân tài thật". Thẳng thắn nhìn nhận là việc xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở nước ta, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là cơ bản vẫn còn những "hạt sạn".

Trước hết vẫn còn có những ứng viên chưa xứng đáng (theo đánh giá của các nhà khoa học cùng ngành, cùng cơ quan, đơn vị) tham gia vào và "vượt qua" các kỳ xét ở Hội đồng Giáo sư các cấp. Thậm chí cả khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp bỏ phiếu thông qua nhưng dư luận, báo chí và cả Chính phủ yêu cầu phải xem xét lại. Việc này đã xảy ra năm 2017-2018.

Báo chí vừa qua đã nêu nhiều về "liêm chính khoa học". Một số ít nhà khoa học, nhà giáo không trung thực trong kê khai thành tích khoa học, nhất là từ khi tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư bắt buộc phải có bài báo khoa học quốc tế. Có thể do không trung thực và cũng có thể do thiếu thông tin nên một số nhà giáo, nhà khoa học gửi đăng bài báo của mình vào các Tạp chí không đạt chuẩn quốc tế. Báo chí cũng nêu về hiện tượng "chạy" đăng bài báo quốc tế hiện nay. Một số ứng viên vi phạm đạo đức, bị kỷ luật,v.v…

Vấn đề đủ giờ giảng, đề tài khoa học, sách, bài báo để xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cũng là vấn đề thường xuyên được đề cập ở các Hội đồng Giáo sư.

Về chất lượng Hội đồng Giáo sư các cấp cũng là những vấn đề dẫn tới chất lượng xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Do hiện nay không quy định rõ nên các cơ sở đào tạo được thành lập Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở thường đề xuất nhiều thành viên Hội đồng là cán bộ cơ hữu của mình để thuận lợi cho xét chọn.

Đối với Hội đồng Ngành, liên ngành cũng vậy, thường chọn những thành viên quen, thân thiết với Chủ tịch Hội đồng. Chính vì vậy nên có những ý kiến một số thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp chưa xứng đáng và chưa là các nhà khoa học đầu ngành,v.v...

5 điểm cần tập trung xem xét, nghiên cứu, sửa đổi

PV: Vậy chúng ta cần có các giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư Việt Nam.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Giải pháp thì có nhiều nhưng tôi cho rằng trước hết Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2028/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Sau 5 năm thực hiện, nhiều quy định ở đây đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Có 5 điểm cần tập trung xem xét, nghiên cứu, sửa đổi.

Trước hết là về "liêm chính khoa học".

Liêm chính khoa học có thể hiểu là sự ngay thẳng, trung thực, có trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy... Nói đến bảo đảm sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định, phần lớn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu luôn ý thức được sự cần thiết phải giữ gìn sự ngay thẳng, trung thực trong nghiên cứu khoa học để thúc đẩy khoa học phát triển, tiến tới xây dựng một nền khoa học chân chính.

Chính vì thế, đa phần các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam cũng luôn bảo đảm tính trung thực, rõ ràng trên mọi góc độ nghiên cứu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thời gian vừa qua, cũng không ít những nhà nghiên cứu, nhà khoa học có các biểu hiện vi phạm nghiêm trọng liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Những biểu hiện vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học vô cùng đa dạng, trong đó phải kể đến các biểu hiện, như đạo văn và bịa đặt trong nghiên cứu.

Để giải quyết vấn đề này thứ nhất, cần xây dựng các quy định chung về liêm chính học thuật, trong đó bao hàm những quy định về sự trung thực, ngay thẳng trong các hoạt động học thuật, như nghiên cứu, giảng dạy, học tập... đi kèm là những quy định hậu kiểm cùng những biện pháp xử lý vi phạm.

Thứ hai, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ để kiểm soát tình trạng đạo văn trong các công trình nghiên cứu khoa học, như luận văn, luận án, các bài đăng trên tạp chí, các cuốn sách chuyên ngành... Phần mềm kiểm soát "đạo văn" đã có và được nhiều trường đại học, nhiều nhà xuất bản, nhiều cơ quan báo chí... áp dụng để kiểm tra mức độ sao chép của các công trình khoa học trước khi đưa ra bảo vệ (đối với luận văn, luận án) hay cho xã hội hóa (đối với sách, các bài đăng tạp chí...).

Thứ ba, kiểm soát thông tin trên mạng internet, chấm dứt tình trạng mua, bán luận văn, luận án một cách dễ dàng ở các "chợ luận văn", "chợ luận án" trên mạng. Giải pháp này ở góc độ nào đó cũng sẽ hạn chế được sự sao chép, ăn cắp thành quả lao động, trí tuệ của người khác một cách quá dễ dàng.

Thứ tư, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học giữa thế hệ đi trước đối với những nhà nghiên cứu trẻ, nhất là khi họ còn đang trong giai đoạn đầu tìm con đường nghiên cứu khoa học chân chính cho bản thân mình.

Thứ năm, Chính phủ cần Quy định cụ thể về liêm chính khoa học trong xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Xác định rõ các dạng vi phạm liêm chính trong khoa học và các hình thức xử lý: như khai báo hồ sơ khoa học không trung thực, đạo văn, sao chép, trích dẫn không ghi tên nguồn, vi phạm trong đăng bài báo khoa học nhất là bài báo quốc tế, v.v…

Đề xuất cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên của Hội đồng Giáo sư cơ sở

PV: Ngoài vấn đề liêm chính khoa học, về Hội đồng Giáo sư các cấp có cần đổi mới ?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Trong xét, công nhận Giáo sư, Phó giáo sư, vai trò Hội đồng Giáo sư rất quan trọng. Công tác Hội đồng Giáo sư là một công tác quan trọng của Nhà nước, của ngành Giáo dục và đào tạo. Cơ chế Hội đồng Giáo sư các cấp là một cơ chế mở, kết hợp giữa quản lý nhà nước về Giáo dục và đào tạo và cơ chế sử dụng trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao trong khoa học, giáo dục và đào tạo.

Cũng tương tự như các Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Để chấm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đại học thành lập các Hội đồng đánh giá và lựa chọn, mời các nhà khoa học, các thầy giáo có trình độ chuyên môn cao vào Hội đồng để chấm, đánh giá. Kết quả này được báo cáo cho cơ sở đào tạo và dựa trên kết quả này cùng với các kết quả khác, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo sẽ cấp bằng tốt nghiệp đại học, bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ. Hội đồng sẽ giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ và dĩ nhiên thành viên Hội đồng không bắt buộc là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, lại càng không cần là công chức, viên chức Nhà nước.

Đối với Hội đồng Giáo sư các cấp cũng như vậy. Các Hội đồng chỉ là cơ quan tư vấn, đánh giá tiêu chuẩn của các ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư. Sau đó khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư, Hội đồng báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các ứng viên đạt chuẩn. Dựa trên kết quả này và nhu cầu cán bộ cơ quan, Thủ trưởng các trường đại học, học viện sẽ bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Đối với Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Theo cơ cấu hiện nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có 28 thành viên và kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Phần lớn các thành viên Hội đồng hiện nay đều là các Giáo sư có nhiều kinh nghiệm khoa học và cuộc sống như GS.TS Bành Tiến Long 75 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Cơ khí - Động lực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và đào tạo; GS.TS Đào Trí Úc 78 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; GS.TSKH Trần Văn Sung 76 tuổi, Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Hóa học – Thực phẩm, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS Đặng Vạn Phước 77 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy,v.v….

Đối với lãnh đạo Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ngoài Chủ tịch do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo kiêm nhiệm, một số Phó Chủ tịch là cán bộ các cơ quan kiêm nhiệm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng không cần quy định cứng là công chức, viên chức Nhà nước. Việc quy định cứng như hiện nay đã dẫn đến tình trạng 5 năm qua (2019-2023) không chọn được Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng.

Điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được các nhà khoa học giỏi chuyên môn, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm quản lý giáo dục, có kinh nghiệm xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư đưa vào làm thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp.

Cần lựa chọn các nhà khoa học, nhà giáo đã có kinh nghiệm quản lý cơ sở giáo dục đại học, có kinh nghiệm tổ chức Hội đồng Giáo sư các cấp để tham gia lãnh đạo Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Chức danh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước cần chọn các nhà khoa học đã làm Hiệu trưởng/Giám đốc cơ sở giáo dục đại học (đã trực tiếp bổ nhiệm, quản lý Giáo sư, Phó Giáo sư) và đã làm công tác Hội đồng Giáo sư Nhà nước (đã trực tiếp xét Giáo sư, Phó Giáo sư).

Để nâng tầm các Hội đồng Giáo sư cơ sở, để đảm bảo tính khách quan và cũng để tranh thủ nguồn chất xám ở các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu khác, cần quy định Cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên. 1/2 thành viên nằm ngoài biên chế cơ hữu của Cơ sở giáo dục đại học, kể cả Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng. Với thành phần này, việc xét các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư sẽ khách quan hơn, công tâm hơn khi mà 100% hoặc đa số các thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở đều là người của cơ sở giáo dục đại học.

Không câu nệ quá vào "bài báo quốc tế" mà cần chú trọng đến sự đóng góp của nhà khoa học cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học

PV: Trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều vi phạm, sai phạm liên quan đến "bài báo quốc tế", quan niệm của Giáo sư về vấn đề này thế nào và hướng giải quyết?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Từ thực tiễn hoạt động quản lý giáo dục đào tạo, tôi cho rằng trong xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư không câu nệ quá vào "bài báo quốc tế" mà cần chú trọng đến sự đóng góp của nhà khoa học cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học mà Giáo sư, Phó Giáo sư nghiên cứu, cho cơ quan, đơn vị mình, cho đất nước.

Ở các ngành Khoa học tự nhiên và công nghệ, bài báo quốc tế là cần thiết và chứng tỏ ứng viên có trình độ tốt và cũng để khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế. Nhưng ở các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Quân sự, Khoa học An ninh,v.v...điều quan trọng hơn cả là sự đóng góp của nhà khoa học với đất nước, với các lĩnh vực mà ứng viên công tác, nghiên cứu, giảng dạy.

Tiêu chuẩn bài báo đối với các lĩnh vực này cần được quy định mở bằng hai hướng: Bài báo quốc tế và bài báo đăng trên các tạp chí uy tín mà Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, có bài tham gia các Hội thảo quốc tế trong nước.

Hiện nay trong đào tạo tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang quy định như vậy. Nhiều ứng viên vì phải có bài báo quốc tế nên bằng mọi cách để đăng, và có những trường hợp đăng ở các Tạp chí "fake" như báo chí đã và đang thông tin. Điều này sẽ khó có thể xảy ra ở các tạp chí trong nước. Không một ai trên thế giới có thể vin vào lý do các nhà Khoa học Chính trị, Khoa học Xã hội, Khoa học An ninh, Khoa học Quân sự Việt Nam ít có công bố quốc tế để kết luận Khoa học Chính trị, Khoa học Xã hội, Khoa học An ninh Việt Nam, Khoa học Quân sự Việt Nam lạc hậu, kém phát triển.

Nếu chỉ để giảng viên cả đời công tác ở trong nhà trường thì khó mà có những kết quả tốt về giáo dục và đào tạo

PV: Báo chí cũng nói nhiều về tình trạng cán bộ quản lý, cán bộ thực tiễn xét chức danh Giáo sư, phó giáo sư. Quan điểm của Giáo sư về các vấn đề này thế nào?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Về tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư cần có sự thay đổi, điều chỉnh lại để tránh xảy ra các vấn đề mà báo chí nói liên quan đến vừa qua.

Trước hết phải có quan niệm chính thống mới về thầy giáo, Giáo sư, Phó Giáo sư:

Giáo sư (professor) là tên gọi một học hàm, hoặc chức danh hoặc chức vụ khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được nhà nước Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học phong tặng, công nhận, bổ nhiệm vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động (lĩnh vực) đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phó Giáo sư (associate professor) là một chức danh khoa học dành cho người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng ở cấp thấp hơn giáo sư (professor).

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vai trò và sự đóng góp của lực lượng trí thức là to lớn. Giáo sư, phó giáo sư là bộ phận ưu tú trong đội ngũ trí thức của đất nước ta. Việc xây dựng, phát triển lực lượng trí thức nói chung và đội ngũ Giáo sư, phó giáo sư nói riêng luôn được chú trọng, điều đó thể hiện đường lối, chính sách của Đảng, của nhà nước đối với khoa học và giáo dục nói chung, nó đã trở thành "quốc sách hàng đầu". Việc xây dựng, phát triển đội ngũ Giáo sư, phó giáo sư cả về số lượng lẫn chất lượng trở thành một đòi hỏi khách quan, cấp bách của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giáo sư, Phó giáo sư là các chức danh gắn liền với hoạt động giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ. Phần lớn các Giáo sư, Phó giáo sư dành cả cuộc đời cho ngành giáo dục và cũng chỉ công tác tại các cơ sở giáo dục. "Thầy giáo già, con hát trẻ". Tổng kết này của cha ông ta đã cho thấy thầy cô giáo càng có nhiều kinh nghiệm càng phát huy tốt khả năng dạy học, truyền bá kiến thức của mình.

Nhưng cuộc sống hiện đại đã cho thấy cần phải có những suy nghĩ, tư duy mới trong quản lý, xét, công nhận nói chung, đào tạo thầy giáo, trong đó có đào tạo, phát triển đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam nói riêng. Học phải gắn với hành. Học lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn. Với tư cách là một cán bộ có nhiều năm làm quản lý giáo dục, tôi rất ủng hộ và luôn vận động các nhà quản lý, lãnh đạo, các cán bộ thực tiễn tham gia giảng dạy trong nhà trường và dĩ nhiên cần khuyến khích họ xét chức danh Giáo sư, Phó giáo sư khi có đủ tiêu chuẩn.

Cần có tư duy mới về thầy giáo. Chính phủ cần có quy định rõ về đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm đang công tác, làm việc tại các cơ quan quản lý, kinh doanh, quốc phòng, an ninh, nhất là đối với các ngành khoa học mang tính thực tiễn cao như Kinh tế, Tài chính, Y tế, Quân sự, An ninh, v.v…

Đối với một số lĩnh vực khoa học lý thuyết thì có thể một thầy giáo cả đời chỉ cần giảng dạy, nghiên cứu trong nhà trường và như vậy là tốt. Tuy nhiên các lĩnh vực dạy học, nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng nếu thầy giáo cả đời chỉ làm việc ở nhà trường là không ổn.

Nếu thầy giáo chưa làm lãnh đạo, quản lý ở địa phương và các bộ, ngành thì khó có thể dạy tốt cho học viên các lớp quản lý, lãnh đạo ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, cách thức quản lý, quản trị cơ quan, đơn vị, địa phương và càng khó để dạy các học viên lãnh đạo này cách phát triển kinh tế - xã hội ở bộ, ngành, địa phương, cách làm giàu vươn lên.

Nếu thầy giáo dạy Kinh tế mà chưa bao giờ làm kinh doanh, sản xuất, không biết cách làm giàu cho bản thân và gia đình thì khó có thể dạy các thế hệ sinh viên chuyên ngành Kinh tế cách làm giàu cho bản thân, cho đất nước.

Nếu thầy giáo chưa bao giờ đi điều tra tội phạm, chưa làm thực tiễn công tác Công an thì không thể dạy sinh viên Công an giỏi nghề điều tra tội phạm, giỏi nghề Công an. Nếu thầy giáo các Trường quân sự chưa bao giờ làm thực tiễn quân sự thì khó có thể giảng dạy sinh viên các Trường quân sự giỏi nghề quân sự.

Trong ngành Y cũng vậy. 100% các thầy cô giáo các Trường Y đều kiêm chức trong các Bệnh viện. Và khá nhiều cán bộ quản lý của ngành Y đều kiêm chức giảng dạy ở các nhà trường đào tạo cán bộ Y tế từ trung ương đến địa phương.

Đối với ngành Công an, từ cách đây 15 năm, để gắn đào tạo với thực tiễn, ngoài việc đưa sinh viên đi thực tế, mời cán bộ thực tiễn vào giảng dạy kiêm chức tại các Trường CAND, Bộ Công an đã đưa nhiều cán bộ giảng dạy của các Trường Công an đi luân chuyển thực tế làm Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng, Cục phó, lãnh đạo Phòng, cấp huyện ở Công an các đơn vị, địa phương. Các nhà trường Bộ Công an còn huy động khá đông các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp, kể cả lãnh đạo Bộ Công an vào tham gia công tác đào tạo cán bộ Công an. Và thực tế cho thấy chất lượng đào tạo của ngành Công an hiện nay tốt hơn trước đây rất nhiều.

Ở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng rất quan tâm tới việc luân chuyển, đưa các cán bộ giảng dạy các nhà trường quân sự đi thực tế tại các quân, binh chủng, các đơn vị, địa phương thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời các nhà trường quân sự cũng rất chú trọng mời các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân sự có uy tín, có khả năng sư phạm tham gia vào quá trình đào tạo tại các nhà trường Quân đội.

Trong những năm gần đây Đại học Quốc gia Hà Nội đã đi đầu trong đổi mới giáo dục đào tạo Việt Nam, nhất là trong tuyển chọn, sử dụng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của các trường, khoa trực thuộc để mở các chuyên ngành đào tạo, phát triển các lĩnh vực khoa học mới. Nhà trường đã mời hoặc áp dụng chế độ kiêm chức, thuê khoán nhiều cán bộ quản lý, nhiều chuyên gia giỏi của các ngành vào làm việc chuyên trách và bán chuyên trách tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ thực tiễn của 3 ngành Y, Công an, Quân đội, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy cần có tư duy mới để phát triển đội ngũ giảng viên và đào tạo giảng viên (giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức). Giảng viên ngày nay khác trước kia rất nhiều. Thiếu đội ngũ giảng viên kiêm chức hoặc nếu chỉ để giảng viên cả đời công tác ở trong nhà trường thì khó mà có những kết quả tốt về giáo dục và đào tạo.

Vì vậy trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, trong đó có xét và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cần thiết phải dành nhiều vị trí cho lãnh đạo, cán bộ thực tiễn các cấp, lãnh đạo , cán bộ các doanh nghiệp, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ Công an, Quân đội để có một đội ngũ giảng viên Việt Nam vững về chính trị, giỏi kỹ năng sư phạm, giỏi nghiên cứu khoa học và đặc biệt giỏi thực tiễn.

Cần quy định rõ khâu hậu kiểm trong hoạt động xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

PV: Ngoài các nội dung trên, thông qua Báo Điện tử Chính phủ, Giáo sư còn điều gì muốn chia sẻ?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm:

Cần quy định rõ khâu hậu kiểm trong hoạt động xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Để tránh các sai sót, khiếu kiện trong xét, bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, Hội đồng Giáo sư các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà trường để "hậu kiểm".

Kinh nghiệm của Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh và Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Quân sự là sau khi xét ở cấp Hội đồng ngành, danh sách các ứng viên đạt số phiếu tín nhiệm được báo cáo cho Đảng ủy Công an Trung ưng, lãnh đạo Bộ Công an, Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, cho ý kiến.

Vì vậy trong hơn 15 năm qua, việc xét duyệt, bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự không có đơn thư kiện cáo. Kinh nghiệm này cần được nghiên cứu, áp dụng trong các Hội đồng GS ngành, liên ngành khác. Đối với các Hội đồng ngành, liên ngành liên quan tới nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thì lấy ý kiến của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, ban, ngành ứng viên công tác, làm việc.

Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Đồng thời kiện toàn, Hội đồng chức danh Giáo sư các cấp.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu cao với các mốc thời gian 2025, 2030 và 2045. Việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN rất cần sự tham gia tích cực của đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam.

Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội đồng Giáo sư phải là cầu nối, quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức có trình độ cao trước và sau khi được xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tham gia tích cực vào việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường trong thời kỳ mới, thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

PV: Xin cám ơn Giáo sư.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-co-so-giao-duc-dai-hoc-khong-duoc-vuot-qua-1-2-thanh-vien-cua-hoi-dong-giao-su-co-so-119240314083529265.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-co-so-giao-duc-dai-hoc-khong-duoc-vuot-qua-1-2-thanh-vien-cua-hoi-dong-giao-su-co-so-119240314083529265.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đề xuất cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên của Hội đồng Giáo sư cơ sở
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO