Đề xuất bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực (hình ảnh từ Internet)
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đề xuất bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực
Căn cứ khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật đề xuất ngành, nghề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các trường hợp sau:
(1) Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
(2) Sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng; sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số trọng điểm theo quy định của pháp luật về công nghiệp công nghệ số; nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn; xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo.
(3) Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ quy định đáp ứng một trong các tiêu chí:
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao.
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành dệt - may, da - giầy, điện tử - tin học (bao gồm cả thiết kế, sản xuất bán dẫn), sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2026 trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu hoặc tương đương (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công thương.
(4) Sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; bảo vệ môi trường; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.
(5) Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
(6) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(7) Dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá năm năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc xác nhận, thẩm định công nghệ được sử dụng của dự án quy định tại điểm này theo quy định của pháp luật.
(8) Đầu tư thành lập (bao gồm cả thành lập mới và mở rộng) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, phát triển công nghiệp dược, có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với phát triển công nghiệp dược bao gồm:
- Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất các loại thuốc sau đây: thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất mới, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vắc xin và sinh phẩm;
- Nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao.
(9) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại (1), (2), (3), (4), (5) có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
(10) Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 Điều 12 dự thảo Luật.
(11) Nuôi trồng lâm sản.
(12) Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.
Thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản quy định tại điểm này phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật.
(13) Sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.
(14) Sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất sản phẩm công nghệ số khác.
(15) Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(16) Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng hợp tác xã.
(17) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
(18) Xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định; giám định tư pháp.
(19) Đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở.
(20) Xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản.
(21) Báo chí (bao gồm cả quảng cáo trên báo) theo quy định của Luật Báo chí.
Chính phủ quy định chi tiết về thời gian thực hiện, giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký quy định tại (8) và (9).
Theo đó, tại Báo cáo dự thảo đã thể hiện ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực được ĐBQH quan tâm như sau:
- Đối với lĩnh vực báo chí: Để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
- Về ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số để thống nhất, đồng bộ với các quy định thể hiện tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trên cơ sở đề xuất của Cơ quan soạn thảo,UBTVQH đã chỉnh lý một số điểm tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật Thuế TNDN để bổ sung một cách phù hợp và cân đối trong tổng thể chung các ngành, nghề,lĩnh vực cần được ưu đãi thuế liên quan đến Luật Công nghiệp công nghệ số.
- Về thời gian giải ngân đối với số vốn còn lại của các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt: Để giải quyết khoảng trống trong chính sách hiện hành về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư, bảo đảm điều kiện hưởng các ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật đã chỉnh lý giao Chính phủ quy định cụ thể về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
- Về ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng (ĐTMR),một số ĐBQH băn khoăn về việc dự thảo Luật tiếp tục tạo ra 2 chế độ thuế khác nhau trong cùng một cơ sở kinh doanh (giữa cấu phần của dự án ban đầu và cấu phần dự án ĐTMR) là bất cập trong quản lý và thực hiện. Ghi nhận các ý kiến này song UBTVQH cho rằng, trước mắt vẫn cần phải tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong trường hợp dự án chính đã hết thời hạn ưu đãi như đang được quy định hiện hành. Vì vậy, đối với các trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, đề nghị cho giữ như tinh thần của dự thảo Luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý để bảo đảm mức ưu đãi được giữ như Luật hiện hành (cụ thể: các thu nhập tăng thêm từ dự án ĐTMR được miễn thuế, giảm thuế và không được hưởng ưu đãi về thuế suất) để tránh cách hiểu khác nhau, bảo đảm sự rõ ràng trong thực hiện.
Xem thêm dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.