Đời sống

Để trồng dâu nuôi tằm trở thành “nghề thoát nghèo” ở Đắk Glong

Thanh Hằng 10/10/2023 04:48

Trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân huyện Đắk Glong (Đắk Nông), nhất là hộ nghèo. Tuy nhiên, để trở thành “nghề thoát nghèo”, huyện Đắk Glong cần có những hướng phát triển bền vững.

Sau 10 ngày nuôi, lứa tằm của anh Danh Thuận, thôn 3, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (thuộc diện hộ nghèo) bỗng dưng bị bệnh. Tằm bò yếu, bỏ ăn, thậm chí nhiều con có dấu hiệu teo tóp và chết dần. Anh Danh Thuận cho biết, những lứa nuôi trước, tằm khỏe mạnh, một ngày ăn hết khoảng 3 tạ lá dâu. Thế nhưng lứa tằm này phát triển kém, có ngày chỉ ăn hết hơn 1 tạ lá. Số lượng tằm có dấu hiệu chậm ăn, chậm lớn ngày một nhiều, khiến cả gia đình đứng ngồi, không yên.

nuoi-tam-quang-khe-1(1).jpg
Hộp tằm của gia đình anh Danh Thuận bỏ ăn, có dấu hiệu bị bệnh, buộc phải lọc bỏ để không ảnh hưởng tới đàn.

Gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm vài năm nay, anh Danh Thuận từng gặp nhiều lứa nuôi thất bại. Tuy nhiên, điều anh lo lắng nhất hiện nay là không biết tằm bị bệnh hay ngộ độc thức ăn. Bản thân anh cũng chưa được đào tạo qua trường lớp, thế nên anh Thuận chỉ biết nhặt bỏ các con tằm yếu để làm thức ăn cho gia cầm trong nhà. Anh Danh Thuận nói: “Đây là lứa tằm khiến tôi bối rối nhất vì không rõ tằm bị gì. Nguồn thu nhập của cả nhà trông chờ vào một hộp tằm (khoảng 1 kg con giống), nhưng có lẽ lứa này chỉ đủ chi phí giống và thức ăn cho tằm”.

Nhiều hộ nuôi tằm ở huyện Đắk Glong cho biết, hai năm nay, giá kén tương đối cao, dao động khoảng 200.000-220.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc nuôi tằm gặp nhiều rủi ro hơn bởi tằm hay bị bệnh, dẫn tới lượng kén thu được giảm.

Chị Ma Thị Sâm, thôn 7, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) - (thuộc diện hộ nghèo) nói: “Phần lớn tằm giống đều được lấy về từ tỉnh Lâm Đồng. Mỗi tháng chúng tôi nuôi 2 lứa tằm, nhưng chẳng may tằm bị bệnh thì phải nghỉ một thời gian để bảo đảm nguồn bệnh được xử lý hết. Cũng vì việc sản xuất bị gián đoạn nên ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của gia đình”.

nuoi-tam-quang-hoa(2).jpg
Theo các hộ nuôi, tằm giống hiện nay chủ yếu được mua từ Lâm Đồng nên nghề nuôi tằm vẫn rất đang bấp bênh.

Theo thống kê, hiện nay diện tích trồng dâu, nuôi tằm của huyện Đắk Glong lên đến hàng trăm hecta, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Khê, Đắk Ha, Quảng Hòa... Trồng dâu, nuôi tằm được định hướng trở thành “nghề thoát nghèo”, giúp các hộ dân khai thác được những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và nhân công.

Thời gian qua, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện Đắk Glong cũng triển khai hỗ trợ các hộ nghèo vốn, nông cụ, hoặc bồi dưỡng kiến thức trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, tình trạng tằm thường xuyên nhiễm bệnh, cho thấy nghề này vẫn còn đang rất “bấp bênh”.

Ông Lê Khắc Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Glong khuyến cáo, nông dân cần theo dõi diễn biến sinh trưởng và phát triển để phát hiện kịp thời tằm bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả. Đối với trường hợp tằm nhiễm bệnh, các nông hộ cần sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi trước và sau mỗi lứa nuôi. Bên cạnh đó, để sản xuất có hiệu quả, nguời dân cần nuôi tằm với mật độ thích hợp, cho ăn đủ bữa trong một ngày đêm, thay phân hàng ngày vào buổi sáng. Với cây dâu, nông dân cần bón phân đạm, lân, kali đủ định lượng, đúng lúc và đúng cách.

Cũng theo ông Hải, một khó khăn khác của nghề trồng dâu nuôi tằm là trên địa bàn huyện Đắk Glong chưa có nhà máy chế biến và tiêu thụ kén phải qua khâu trung gian. Phần lớn giống tằm và kén đều được mua và bán cho các đầu mối tại tỉnh Lâm Đồng. Để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững, cùng với việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật mới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Glong cho rằng, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước) và hướng tất yếu là phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Để trồng dâu nuôi tằm trở thành “nghề thoát nghèo” ở Đắk Glong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO