Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THCS Văn Lang - Phú Thọ

Hùng Cường17/04/2024 15:15

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Văn Lang - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

ADQuảng cáo

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Văn Lang - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản dưới đây:

CÂU CHUYỆN VỀ BỐN NGỌN NẾN

Trong phòng tối, có bốn ngọn nến đang cháy. Xung quanh thật yên tĩnh đến mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của chúng. Ngọn nến thứ nhất nói:

- Tôi là hiện thân của hòa bình. Cuộc đời sẽ như thế nào nếu không có tôi? Tôi thực sự quan trọng cho mọi người.

Ngọn nến thứ hai lên tiếng:

- Còn tôi là hiện thân của lòng trung thành. Hơn tất cả mọi người phải cần đến tôi.

Đến lượt mình, ngọn nến thứ ba nói:

- Tôi là hiện thân của tình yêu. Tôi mới thực sự quan trọng. Hãy thử xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu đi tình yêu?

Đột nhiên, cánh cửa chợt mở tung, một cậu bé chạy vào phòng. Một cơn gió ùa theo làm tắt cả ba ngọn nến.

Cậu bé sửng sốt:

- Tại sao cả ba ngọn nến lại tắt?

Rồi cậu bé òa lên khóc.

Lúc này ngọn nến thứ tư mới lên tiếng:

- Đừng lo lắng, cậu bé. Khi tôi vẫn còn cháy thì vẫn có thể thắp sáng lại cả ba ngọn nến kia. Bởi vì tôi chính là niềm hy vọng.

Lau những giọt nước mắt còn đọng lại, cậu bé lần lượt thắp sáng lại những ngọn nến vừa tắt bằng ngọn lửa của niềm hy vọng.

(Trích “ Những bài học về cuộc sống” – NXB Thanh Niên, 2005)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Trong văn bản, các ngọn nến khẳng định điều gì?

Câu 3. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đó?

Câu 4. Em đồng tình với ý kiến của ngọn nến nào? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của niềm hy vọng.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và niềm suy tư sâu lắng trong đoạn thơ sau:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)

BẢNG THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG HỌC SINH GIỎI CÁC CẤP TRƯỜNG THCS VĂN LANG QUA CÁC NĂM HỌC

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Văn Lang - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2.

Trong văn bản, các ngọn nến khẳng định :

- Hòa bình thực sự quan trọng cho mọi người.

- Mọi người phải cần lòng trung thành

- Tình yêu thực sự quan trọng

- Niềm hy vọng thắp sáng lại những ngọn nến vừa tắt

ADQuảng cáo

Câu 3.

HS chỉ ra 1 biện pháp tu từ, có thể là nhân hóa, ẩn dụ, liệt kê….. và nêu được tác dụng

Ví dụ: Biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản là nhân hóa.

Hiệu quả: Làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn và hình ảnh những ngọn nến trở nên sinh động như những con người thực sự, góp phần làm tăng giá trị biểu đạt

Câu 4.

Học sinh bày tỏ rõ quan điểm đồng tình và lí giải thuyết phục, có thể theo gợi ý sau:

- Đồng tình với ý kiến.

- Lí giải thuyết phục

II. LÀM VĂN

Câu 1

* Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng hình thức một đoạn văn dung lượng khoảng 10 đến 12 câu

- Diễn đạt rõ ràng mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

- Đoạn văn sáng tạo, có cách diễn đạt mới mẻ.

* Yêu cầu về nội dung:

Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần tập trung làm rõ sức mạnh của niềm hy vọng.

Có thể theo hướng sau:

1. Giải thích:

- Niềm hy vọng: là lòng tin, sự lạc quan về một tương lai tốt đẹp

2. Bàn về sức mạnh của niềm hi vọng.

- Niềm hy vọng sẽ tiếp thêm cho chúng ta rất nhiều sức mạnh để vượt qua hiện thực khó khăn, khắc nghiệt để đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

- Niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta có thêm bản lĩnh, ý chí, nghị lực, sự quyết tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra.

- Niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta có sự tự chủ bản thân, có niềm tin vào tương lai, giúp chúng ta sẽ có những hành động đúng đắn để biến niềm hy vọng tốt đẹp của mình thành sự thật.

( Dẫn chứng)

3. Bàn luận, mở rộng:

- Phê phán những con người sống không có niềm tin hy vọng, viển vông, vượt quá thực tế của bản thân. .

4. Bài học nhận thức và hành động: phải kiên trì và nỗ lực, biết biến hy vọng thành hành động cụ thể để đạt được thành công.

Câu 2

* Yêu cầu chung:

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận.

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

- Bài viết sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Yêu cầu cụ thể:

Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

a. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, khái quát nội dung chính của đoạn thơ..

b. Cảm nhận về thiên nhiên đất trời và những suy tư mà tác giả gửi gắm trong đoạn thơ:

* Cảnh thiên nhiên đất trời lúc sang thu:

- Thiên nhiên đất trời sang thu tuyệt đẹp ở những biến chuyển, vận động nhẹ nhàng của dòng sông, cánh chim, đám mây; đã tạo nên bức tranh thu mang màu sắc cổ điển cao rộng, khoáng đạt từ mặt đất đến bầu trời.

- Bức tranh thiên nhiên sang thu còn có những chuyển biến ở các hiện tượng thời tiết đặc trưng của mùa thu miền Bắc: thu sang nắng nhạt dần, những cơn mưa, sấm ít dần không đủ sức lay động hàng cây đứng tuổi.

=> Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy được cảm nhận bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, cảm xúc say sưa, tình yêu thiên nhiên của tác giả.

* Đoạn thơ còn gửi gắm những cảm xúc, suy tư sâu lắng của nhà thơ:

- Hai câu thơ cuối mang ý nghĩa biểu tượng: sấm gợi những vang động bất thường của ngoại cảnh, hàng cây đứng tuổi gợi những con người từng trải từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời. Qua đó, tác giả suy ngẫm về con người: Khi đã từng trải dạn dày, bản lĩnh thì càng chín chắn, vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời.

- Suy nghĩ về qui luật của đời người: khi con người đã bước đến tuổi sang thu sẽ vẫn bình thản đón nhận tất cả như một lẽ tự nhiên. Biến cố cuộc đời chẳng thể khiến lòng người chùn chân, lùi bước.

- Khẳng định bản lĩnh của con người VN trong thời kì đất nước đổi mới, còn nhiều khó khăn thử thách nhưng sẽ vững vàng hơn trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

=>Thể hiện nét đẹp lạ, độc đáo trong cách nhìn, cách cảm về thiên nhiên, thái độ sống đầy trách nhiệm và niềm tin tưởng về đời người của nhà thơ.

c. Đánh giá, tổng hợp

- Nghệ thuật: Đoạn thơ viết theo thể năm chữ giàu chất trữ tình, hình ảnh thơ đẹp được gợi tả bằng nhiều cảm giác tinh tế, ngôn ngữ hàm súc, chính xác, đặc sắc thể hiện ở những từ ngữ diễn tả trạng thái, các từ chỉ mức độ, sử dụng các biện pháp tu từ nhân hóa, đối, ẩn dụ,...- Đoạn thơ cho thấy sự cảm nhận và miêu tả tinh tế của nhà thơ qua nhiều yếu tố bằng nhiều giác quan và sự rung động trong tâm hồn .

- Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên tươi tắn, sống động rất đẹp lúc giao mùa, thể hiện nét trẻ trung dào dạt của tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết đồng thời thể hiện những cảm xúc, suy tư sâu sắc về cuộc đời, con người, về nhân dân, đất nước của Hữu Thỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THCS Văn Lang - Phú Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO