Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 trường THCS Gia Cẩm - Phú Thọ (kèm đáp án)

Hùng Cường 26/04/2024 08:47

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Gia Cẩm - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THCS Gia Cẩm

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé ngồi lại với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không…

(Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, NXB trẻ 2012, tr.120)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao “đừng bao giờ quay lưng lại” với một người khi họ gặp nỗi buồn?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của một phép tu từ được sử dụng trong những câu văn sau: “Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé ngồi lại với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không…”

Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: “Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên giao mùa trong đoạn thơ sau:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.70)

Phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 của các tỉnh có gì mới?

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 Trường THCS Gia Cẩm - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, đừng bao giờ quay lưng lại với một người khi họ gặp nỗi buồn, vì:

+ Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc;

+ Cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường;

+ Cần mỗi buổi tối ghé ngồi lại với họ trong im lặng;

+ Cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không.

Câu 3.

- Biện pháp tu từ: HS chỉ ra được một trong các biện pháp tu từ:

+ Điệp từ, điệp ngữ: Họ cần

+ Điệp cấu trúc: Họ cần…

+ Liệt kê: những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi.

- Tác dụng:

+ Làm cho câu văn cụ thể, sinh động, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Nhấn mạnh giá trị cần thiết của sự chia sẻ tự nguyện, trong sáng, chân tình để con người vượt qua được nỗi buồn; bộc lộ niềm khao khát được sẻ chia trong cuộc sống.

Câu 4.

Học sinh có thể đồng tình/không đồng tình/hoặc chỉ đồng tình một phần, miễn là có những lí giải thuyết phục, có thể theo gợi ý sau:

- Đồng tình: Tình thương xuất phát từ tự nguyện, chân tình sẽ tạo niềm tin, động lực để con người vượt qua nỗi buồn.

- Không đồng tình: Trong xã hội hiện đại, con người có nhiều cách để vượt qua nỗi buồn (mà đôi khi không cần đến cả tình thương).

II. LÀM VĂN

Câu 1

Yêu cầu về hình thức

- Viết đúng hình thức một đoạn văn dung lượng khoảng 10 đến 12 câu.

- Diễn đạt rõ ràng mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

- Đoạn văn sáng tạo, có cách diễn đạt mới mẻ.

Yêu cầu về nội dung

Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần tập trung làm rõ ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

1. Giải thích: Sự sẻ chia trong cuộc sống là sự đồng cảm, thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ về vật chất và tinh thần với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

2. Bàn luận:

* Biểu hiện: Những hành động giúp đỡ, chia sẻ về vật chất như quyên góp, ủng hộ để giúp đỡ những người gặp khó khăn hay cảm thông, thương xót với họ.

* Ý nghĩa:

+ Mang đến những điều tốt đẹp, tạo sức mạnh, động lực vượt lên trở ngại, giúp con người vượt qua khó khăn.

+ Nhận được sự yêu mên và quý trọng của mọi người, giúp đời sống tâm hồn thanh thản, hạnh phúc.

+ Góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp, tràn ngập tình yêu thương, lòng nhân ái…

-> Mang lại lợi ích cho cả hai bên, giúp cho tinh thần của họ trở nên thư thái và được yêu thương hơn.

Dẫn chứng: HS đưa ra dẫn chứng hợp lí, giàu thuyết phục.

* Mở rộng: Phê phán lối sống ích kỉ, thờ ơ vô cảm, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng ở một số người trong xã hội.

3. Bài học:

+ Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sẻ chia trong cuộc sống. Sẻ chia là một trong những phẩm chất kết tinh giá trị nhân văn cao quý ở con người.

+ Hãy nuôi dưỡng sự sẻ chia trong mỗi người để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 2

Yêu cầu chung:

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận.

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

- Bài viết sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Yêu cầu cụ thể:

+ Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

a. Giới thiệu chung về tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm “Sang thu” và khái quát nội dung đoạn thơ.

b. Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên giao mùa

* Những tín hiệu báo thu về:

- Cảm nhận sự chuyển biến của thiên nhiên lúc sang thu bằng nhiều giác quan (thị giác, xúc giác, khứu giác) với cái nhìn trong không gian gần và hẹp, sự rung động tinh tế qua các tín hiệu:

+ Hương ổi: cảm nhận bằng khứu giác mùi hương thơm quen thuộc dân dã của vùng quê Bắc Bộ đang lan tỏa, thổi vào (phả), gợi hương thơm nồng nàn của ổi chín như lắng đọng, sánh lại, lan tỏa khắp không gian.

+ Gió se: cảm nhận bằng xúc giác, gợi ngọn gió heo may đặc trưng của mùa thu Bắc Bộ mang theo cái se lạnh và hơi khô.

+ Sương chùng chình: cảm nhận bằng thị giác với phép nhân hóa, từ láy tượng hình gợi tả làn sương thu cố ý chậm lại, quấn quýt nơi đầu thôn ngõ xóm.

- Cảm xúc của nhà thơ:

+ Bỗng: cảm giác bất ngờ, ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự biến đổi của thiên nhiên.

+ Hình như: một chút nghi ngờ, mơ hồ, mong manh, chưa rõ ràng về sự chuyển biến khoảnh khắc sang thu.

=> Tâm hồn nhạy cảm cùng tình yêu thiên nhiên đã giúp nhà thơ ghi lại những biến chuyển tinh tế của không gian và thời gian lúc giao mùa với tín hiệu thu về nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng...

* Quang cảnh thiên nhiên đất trời sang thu:

- Đất trời vào thu đã có sự chuyển biến rõ rệt qua các hình ảnh:

+ Sông dềnh dàng: gợi dòng sông trôi chậm, mềm mại, hiền hòa sau những ngày mưa lũ, mang vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thu.

+ Chim vội vã: hình ảnh cánh chim bay nhanh, gấp gáp về phương Nam tránh rét..., gợi sự tương phản, vận động rất tự nhiên của tạo vật.

+ Các từ được lúc, bắt đầu là dấu hiệu mới chớm, bắt đầu, thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận.

+ Đám mây vắt nửa mình: giàu chất tạo hình, gợi bước đi của thời gian vốn vô hình bỗng trở nên hữu hình và sống động; đám mây như dải lụa mềm mại lơ lửng, nhịp cầu nối hai bờ không gian, thời gian mùa hạ và mùa thu.

=> Những biến chuyển của đất trời từ hạ sang thu được cảm nhận bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm về quang cảnh thiên nhiên lúc giao mùa và cảm xúc say sưa, tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.

* Nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ:

- Thể thơ ngũ ngôn mộc mạc, hàm súc; giọng thơ tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, sâu lắng; hình ảnh thơ chọn lọc, giàu chất tạo hình, giàu giá trị biểu cảm; sử dụng thành công các biện pháp tu từ: nhân hóa, đối lập…

>>>> Đừng quên bổ sung cho bài văn của mình với các bài văn mẫu có trong Cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu.

c. Đánh giá

- Đoạn thơ cho thấy sự cảm nhận và miêu tả tinh tế của nhà thơ bằng nhiều giác quan và sự rung động trong tâm hồn để diễn tả những biến chuyển của vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên đất trời lúc giao mùa thật nhẹ nhàng, tinh tế. Qua đó cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, yêu và gắn bó tha thiết với thiên nhiên, quê hương của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Trên đây là đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn của Trường THCS Gia Cẩm, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 trường THCS Gia Cẩm - Phú Thọ (kèm đáp án)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO