Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THCS Bạch Hạc - Phú Thọ (kèm đáp án)

Hùng Cường 26/04/2024 13:48

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Bạch Hạc - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Bạch Hạc - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

(1) Tuổi trẻ không chỉ là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà còn chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

(2) Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta già đi khi để tâm hồn mình héo hon.

(3) Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết thương trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.

(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2017)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Theo đoạn trích, tuổi trẻ thường gắn liền với điều gì?

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của phép liên kết lặp được sử dụng trong đoạn (1)

Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ về những điều cần làm để tuổi trẻ trở nên có ý nghĩa.

Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Trích Đồng chí – Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục năm 2018, tr.129)

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Bắc Giang năm 2020

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Bạch Hạc - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU

1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

2. Những yếu tố gắn với tuổi trẻ đó là: ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm, cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống, lòng can đảm, thích phiêu lưu và dấn thân.

3.

- Phép lặp từ ngữ: lặp từ “tuổi trẻ”

- Tác dụng của phép liên kết lặp từ ngữ:

+ Tạo sự liên kết về hình thức giữa các câu.

+ Làm cho các câu văn được sắp xếp theo một trật tự hợp lí, logic, thể hiện chủ đề của văn bản: Làm sáng tỏ khái niệm tuổi trẻ: tuổi trẻ không chỉ là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà còn chỉ một trạng thái tâm hồn.

4.

- Học sinh có thể bày tỏ quan điểm Đồng tình hoặc phản đối với quan điểm của tác giả

Gợi ý: Đồng tình vì những cảm xúc lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân chính là những cảm xúc tiêu cực, làm tinh thần của con người dễ rơi vào trạng thái bế tắc, bi quan, làm cản bước tiến tới thành công của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, việc vượt qua những nỗi sợ và học cách hướng về phía trước chính là cách mà mỗi người đi tới thành công.

II. TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ về điều cần làm để tuổi trẻ trở nên có ý nghĩa.

*Về hình thức:

Đảm bảo đúng hình thức của một đoạn văn. Đúng chính tả, dùng từ, đặt câu. Diễn đạt mạch lạc, trong sáng.

*Về nội dung:

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có kiến giải riêng và lập luận thuyết phục, không vi phạm các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, pháp luật,… Dưới đây là một số gợi ý định hướng chấm bài:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Giải thích: Tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất của con người, là độ tuổi mà chúng ta có sức khỏe, có nhiệt huyết, có sự tự tin và tràn đầy sức sống, tràn đầy những hoài bão, đam mê.

- Để tuổi trẻ trở nên có ý nghĩa, chúng ta cần:

+ Ra sức tu dưỡng đạo đức, tích lũy kiến thức, tăng cường kĩ năng sống để trở thành một con người có đạo đức, kiến thức, kĩ năng

+ Tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Đóng góp công sức, tài năng của mình để làm nhiều việc có ý nghĩa cống hiến cho xã hội

+ Không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, cố gắng phấn đấu để theo đuổi ước mơ của bản thân

+ Yêu quý, trân trọng vẻ đẹp cuộc sống, tin vào chính bản thân mình…

+…

Bàn luận, mở rộng: Phê phán những người lãng phí, thiêu rụi tuổi trẻ của mình vào những thú vui vô bổ, vào những tệ nạn xã hội.

Câu 2

*Về kĩ năng:

- Biết cách viết một bài văn có bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Thể hiện năng lực cảm thụ những giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

- Bài viết có cảm xúc, hành văn lưu loát, không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt.

- Bài viết sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, diễn đạt mới mẻ

1. Giới thiệu được về tác giả, tác phẩm, khái quát nội dung chính của đoạn thơ.

2. Cảm nhận nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ:

- Khái quát vị trí: Đoạn thơ gồm khổ 7 câu thuộc khổ 2 và khổ 3 bài “Đồng chí”

a. Khổ 2: 7 câu thơ: Nêu những biểu hiện cụ thể của tình đồng chí đồng đội

- 6 câu tiếp: Những người lính cùng chia sẻ với nhau những gian lao thiếu thốn trong đời lính

+ Họ cùng nhau trải qua những “cơn ớn lạnh”, những khi “sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”

+ Họ chia sẻ với nhau những thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống hằng ngày: “Áo anh rách vai...không giày”: Sự thiếu thốn về vật chất không làm tình cảm của họ phai nhạt đi, ngược lại làm cho họ quyết tâm hơn vì lí tưởng

- Câu cuối : Những người lính có tinh thần đoàn kết, tình đồng đội thắm thiết:

+ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”: họ nắm tay nhau - cái nắm tay để sẻ chia, truyền hơi ấm, để hi vọng, để quyết tâm ⇒ Cử chỉ cảm động chan chứa tình cảm chân thành

*Liên hệ với một số bài thơ, truyện ngắn cũng viết về đề tài người lính

b. 3 câu cuối: Biểu tượng đẹp, giàu chất thơ của tình đồng chí

- 2 câu đầu: Hoàn cảnh chiến đấu của người lính

+ Hoàn cảnh: đêm, rừng hoang, sương muối ⇒ thời tiết khắc nghiệt

+ Nhiệm vụ của những người lính chiến: đứng gác, phục kích sẵn sàng “chờ giặc tới”

⇒ Tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách, gian lao, hình ảnh của họ đứng cạnh bên nhau vững chãi làm mờ đi sự gian khổ, ác liệt của chiến tranh, tình đồng chí giúp họ bình thản trong mọi hoàn cảnh

- Câu thơ cuối: Chất hiện thực: càng khuya, vầng trăng như hạ thấp, có lúc trăng lơ lửng như treo đầu mũi súng.

- Ý nghĩa biểu tượng:

+ Súng là biểu tượng cho cuộc chiến đấu, trăng là biểu tượng cho non nước thanh bình, súng là hiện thực, trăng là lãng mạn, súng tượng trưng cho chất chiến sĩ – trăng là vẻ đẹp tâm hồn thi sĩ của người lính.

3. Đánh giá

- Khẳng định lại những nét tiêu biểu, đặc sắc về nghệ thuật làm nên thành công của bài thơ Đồng chí: thể thơ tự do, ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh chân thực

- Bài thơ thể hiện một cách chân thực và cảm động về tình đồng chí của những người lính trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.

Trên đây là đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn (mẫu 1) của Trường THCS Bạch Hạc - Phú Thọ, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THCS Bạch Hạc - Phú Thọ (kèm đáp án)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO