Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THPT Chu Văn An - Thái Nguyên

Hùng Cường16/04/2024 16:16

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THPT Chu Văn An - Thái Nguyên hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

thpt-chu-van-an(1).jpg

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THPT Chu Văn An - Thái Nguyên

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Việc tử tế không phải là những gì to tát, phi thường mà đôi khi chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị như câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội của cậu bé Đạt “thông cống” khi trời mưa, câu chuyện của nữ sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất, cụ bà 80 tuổi với kinh nghiệm 20 năm vá đường không công, sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi,… Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng,… Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống. Vì vậy, hãy tiếp tục lan tỏa những việc làm tử tế mỗi ngày để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn.

(Theo Quang Vũ – Trải lòng về việc tử tế - Nguồn: Kênh14.vn đăng ngày 6/6/2020)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, những hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị, được lan truyền trên mạng xã hội là những câu chuyện nào?

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng…

Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với quan điểm: “Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống” hay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc làm tử tế trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tác phẩm Bếp lửa, Bằng Việt viết:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì là và thiêng liêng – bếp lửa!

(Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.132)

Em hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về vai trò của tình cảm gia đình trong cuộc sống mỗi người.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THPT Chu Văn An

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Những hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị, được lan truyền trên mạng xã hội là những câu chuyện: cậu bé Đạt “thông cống” khi trời mưa, câu chuyện của nữ sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất, cụ bà 80 tuổi với kinh nghiệm 20 năm vá đường không công, sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng 1 biện pháp tu từ trong câu văn: Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng…

- Biện pháp tu từ liệt kê: hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng…

- Tác dụng:

+ Làm rõ hơn quan điểm của tác giả về khái niệm, biểu hiện của việc tử tế

+ Giúp câu văn sinh động, thể hiện thái độ của tác giả: đồng tình, ủng hộ,…

Câu 4.

HS có thể đồng tình/ không đồng tình với ý kiến“Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống.”. Lí giải hợp lí, thuyết phục.

Gợi ý:

- Đồng tình: việc tử tế là việc làm tốt đẹp, cần thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi người nhằm lan tỏa những giá trị tích cực,…

- Không đồng tình/ Đồng tình một phần: Không phải lúc nào chúng ta cũng có điều kiện làm việc tử tế nên đôi khi, chỉ cần 1 hành động nhỏ, một ngày sống tử tế cũng rất đáng trân trọng,…

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Ý nghĩa của những việc làm tử tế.

c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ, quan điểm của bản thân về ý nghĩa của những việc làm tử tế

Có thể theo hướng:

- Sự tử tế là tấm lòng lương thiện, sống đúng đạo đức, pháp luật, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác….

- Những việc làm tử tế có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống:

+ Giúp lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng

+ Góp phần hoàn thiện bản thân (nhân cách, đạo đức)

+ Đem lại nhiều trải nghiệm quý giá, giúp cuộc sống mỗi người đa dạng, phong phú, đẹp đẽ hơn

+ Góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, tốt đẹp,…

- Phê phán những người sống chưa tốt, lợi dụng tình yêu thương để trục lợi,…

- Bài học nhận thức và hành động.

Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

- Vai trò của tình cảm gia đình trong cuộc sống mỗi người

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt, tác phẩm Bếp lửa và đoạn trích nghị luận.

* Nội dung:

- Từ những kỉ niệm hồi tưởng về tuổi thơ và bà, người cháu suy ngẫm về cuộc đời bà, về bếp lửa. Bếp lửa không chỉ là hình ảnh thực mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, khái quát: ngọn lửa của tình yêu, của đức hi sinh, của niềm tin bất diệt. Chính ngọn lửa ấy đã dìu cháu qua những năm tháng kháng chiến gian khổ thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ.

- Hình ảnh của người bà được hiện lên cụ thể, sinh động, sâu sắc:

+ Cuộc đời gian truân, vất vả, trải qua nhiều mưa nắng: lận đận, nắng mưa,…

+ Chăm chỉ Giàu đức hi sinh, vị tha, nhân hậu;

+ Bà đã dạy cháu nhiều điều hay lẽ phải: Khơi dậy trong tâm hồn cháu tình yêu thương ruột thịt, tình cảm sẻ chia đoàn kết với làng xóm; dạy cháu biết yêu thương chia sẻ; bồi đắp cho cháu về tâm hồn và cách sống; Khơi dậy cả những kí ức tuổi thơ để cháu luôn nhớ về gia đình, quê hương, nguồn cội;…

→ Bà không chỉ là người nhóm lửa, người giữ lửa mà còn là người truyền lửa, tiếp lửa cho các thế hệ nối tiếp.

- Suy ngẫm về hình ảnh bếp lửa: kì lạ vì ngọn lửa cháy sáng bất diệt trong mọi hoàn cảnh, sưởi ấm lòng người, thắp sáng tình yêu, nuôi dưỡng ước mơ cho cháu; thiêng liêng vì ấp ủ tình bà, lòng bà cao đẹp dành cho cháu, cho gia đình, cho quê hương và đất nước.

* Nghệ thuật

- Kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự

- Thể thơ 8 chữ (xen lẫn một vài câu 7 chữ, 9 chữ); nhịp điệu thơ linh hoạt

- Giọng thơ tha thiết, sâu lắng, tâm tình

- Ngôn ngữ thơ chọn lọc

- Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, giàu sức gợi, vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang mang ý nghĩa biểu tượng cao

- Các biện pháp tu từ đặc sắc: ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, liệt kê….

* Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: Đoạn thơ nói riêng và bài thơ Bếp lửa nói chung là dòng hồi tưởng lại những kỉ niệm xúc động về tuổi thơ gian khổ, đặc biệt là hình ảnh người bà; qua đó thể hiện tình yêu, lòng kính trọng, sự biết ơn của người cháu đối với bà, tình cảm của người con xa xứ với gia đình, quê hương, đất nước.

Nhận xét vai trò của tình cảm gia đình

- Gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi con người. Đó là tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm giữa anh chị em và ông bà với các con cháu,…

- Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý giúp mỗi người vượt qua những khó khăn, thử thách; là nguồn động lực tinh thần to lớn tiếp thêm sức mạnh cho mỗi thành viên; là bến đỗ của hạnh phúc, tình yêu của mỗi con người. Tình cảm gia đình còn giúp chúng ta tự rèn luyện bản thân, hoàn thiện nhân cách và đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội,…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THPT Chu Văn An - Thái Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO