Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Thanh Đình - Phú Thọ

Hùng Cường18/04/2024 07:32

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Thanh Đình - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

ADQuảng cáo

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Thanh Đình - Phú Thọ

I. ĐỌC - HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau dưới đây:

Có những thanh thiếu niên không muốn thể hiện điểm mạnh nhất của mình, cho rằng thể hiện tài năng là một sự khoe khoang, sĩ diện hão. Trên thực tế, không nên có cách nghĩ như vậy chút nào.

Đời người là một sân khấu lớn, mỗi người đều là diễn viên, nếu cống hiến cho khán giả những điệu nhảy đẹp nhất thì chắc chắn sẽ nhận được những tiếng cổ vũ nhiệt liệt và những bó hoa đẹp đẽ.

(…) Thể hiện không có nghĩa là khoe khoang, và khoe khoang cũng không phải là sự thể hiện hoàn mĩ. Mỗi người đều có quyền thể hiện tài năng của bản thân, và chúng ta nên cổ vũ mọi người thể hiện nó. Nhưng, nếu lấy cái tài của mình ra với mục đích khoe khoang, thì lại là một việc làm không nên.

(…) Khi có cơ hội thể hiện tài năng, hãy thể hiện hết sức mình một cách nhiệt tình nhất, thanh nhã nhất; khi không thích hợp thể hiện tài năng thì nên cất giấu nó, không được để lộ. Bộc lộ hay cất giấu một cách phù hợp, vừa thể hiện được năng lực của mình vừa bảo vệ tốt bản thân là điều mà các bạn thanh thiếu niên học được.

(Giáo dục thành công theo kiểu Havard, Tập 3 - Thủy Trung Ngư, Vương Nghệ Lộ. Nguyễn Đặng Chi dịch, NXB Lao động, 2018, tr.309 -310)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (1,0 điểm). Theo đoạn trích, con người cần làm gì khi có cơ hội để thể hiện tài năng?

Câu 3 (1,0 điểm). Tìm và nêu tác dụng của 01 phép liên kết trong đoạn văn cuối của đoạn trích?

Câu 4 (1,5 điểm). Em có đồng tình với ý kiến: Thể hiện không có nghĩa là khoe khoang, và khoe khoang cũng không phải là sự thể hiện hoàn mĩ không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 10-12 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc thể hiện tài năng bản thân trong cuộc sống.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, để thấy được những chuyển biến mới trong tình yêu làng, yêu nước của người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng Tám.

HÌNH ẢNH CỔNG TRƯỜNG THCS THANH ĐỊNH

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Thanh Đình - Phú Thọ

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận

Câu 2 . Theo đoạn trích, con người cần làm khi có cơ hội thể hiện tài năng: thể hiện hết sức mình một cách nhiệt tình nhất, thanh nhã nhất

Câu 3

- HS tìm và nêu tác dụng của 01 trong các phép liên kết sau:

(1) Phép lặp: thể hiện , cất giấu,

(2) Phép đồng nghĩa: tài năng - năng lực…

- Tác dụng

+ Liên kết các câu văn về mặt hình thức

+ Tạo sự liên kết về nội dung: Các câu văn được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, tập trung thể hiện nội dung chính của đoạn văn: cách thể hiện tài năng tốt nhất của mỗi người (thanh thiếu niên…)

Câu 4

HS trình bày quan điểm cá nhân, nêu rõ lý do.

Gợi ý:

+ Đồng tình: Thể hiện là sự bộc lộ tài năng của bản thân một cách chính đáng. Đó là tài năng thực sự, không phải sự phô trương. Khoe khoang lại là sự thể hiện quá mức, thậm chí tự nâng mình lên một cách thái quá, không đúng với năng lực thực tế. Dễ gây ảo tưởng cho bản thân, mất động lực phấn đấu, gây đố kị.

+ Không đồng tình: Trong một số trường hợp, nếu sự khoe khoang được sử dụng đúng thời điểm sẽ mang tính khích lệ mọi người xung quanh, giúp bản thân thấy tự hào, hãnh diện…

+ Vừa đồng tình, vừa không đồng tình: Kết hợp cả hai ý kiến trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1

* Yêu cầu chung

- Vận dụng kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội

- Bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

* Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về điều bản thân cần làm để có được sự tự tin. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích:

ADQuảng cáo

+ Tài năng là năng lực xuất sắc, có khả năng làm giỏi và sáng tạo trong công việc.

-> Thể hiện tài năng là đem trí tuệ, năng lực của bản thân để cống hiến cho xã hội...

- Bàn luận:

+ Mỗi người đều có một khả năng đặc biệt nên ai cũng có nhu cầu được thể hiện khả năng đặc biệt ấy.

+ Thể hiện tài năng bản thân giúp cá nhân khẳng định được năng lực, sở trường; thúc đẩy bản thân nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để đạt tới thành công; đóng góp tích cực cho xã hội.

+ Thể hiện tài năng giúp mỗi cá nhân tạo dựng vị trí trong cộng đồng, xã hội.

+ Nếu không thể hiện khả năng của bản thân thì tổ chức, xã hội sẽ không biết điểm mạnh của cá nhân đó để sắp xếp vị trí, công việc phù hợp, tạo cơ hội cho họ phát huy hết khả năng của mình.

(Dẫn chứng: …)

- Mở rộng :

+ Thể hiện tài năng bản thân không đồng nghĩa với khoe khoang, sĩ diện hão.

+ Cần thể hiện tài năng đúng lúc, đúng chỗ để vừa thể hiện được mình, vừa bảo vệ tốt bản thân.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức được tầm quan trọng của việc thể hiện tài năng bản thân.

+ Hành động: Học sinh cần tích cực học tập, rèn luyện để có tài năng, năng lực góp phần.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận văn học : Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định được đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật ông Hai để thấy được những chuyển biến mới trong tình yêu làng, yêu nước của người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng 8.

c. Triển khai vấn đề nghị luận bằng các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác nghị luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu khái quát hoàn cảnh ra đời.

- Giới thiệu hoàn cảnh ra đời : Làng ra đời 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt. Tác phẩm viết về đề tài người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng 8, qua đó làm nổi bật những chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng của của người nông dân thời đại cách mạng: Tình yêu làng quê hoà quyện thống nhất trong tình yêu đất nước, tinh thần kháng chiến.

2. Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật ông Hai

a. Giới thiệu chung về nhân vật ông Hai

Ông Hai quê ở làng chợ Dầu, thực hiện chính sách tản cư kháng chiến, gia đình ông tạm xa làng chợ Dầu. Xa làng chợ Dầu nhưng ông Hai luôn dành cho làng chợ Dầu tình cảm thắm thiết sâu nặng…

b. Ông Hai có tình cảm gắn bó, yêu mến dành cho làng chợ Dầu. Đây là tình cảm vốn có của người nông dân Việt Nam dành cho làng quê yêu dấu của mình.

+ Trước cách mạng ông hay khoe về làng, tự hào về làng…

+ Sau cách mạng gia đình ông phải đi tản cư nhưng ông luôn nhớ về làng và theo dõi tin tức về làng, làng chợ Dầu luôn ở trong trái tim ông

(Hs lấy dẫn chứng- phân tích cảm nhận)

c. Tình yêu làng quê của ông Hai có sự chuyển biến mới sau cách mạng tháng Tám. Thống nhất hòa quyện trong tình yêu nước, tinh thần kháng chiến.

- Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện chân thực xúc động khi ông bất ngờ nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

+ Bàng hoàng, sững sờ khi nghe tin làng theo giặc

+ Đau đớn, tủi hổ, không thể chia sẻ cùng ai. Bị ám ảnh, day dứt với mặc cảm là kẻ phản bội. Nơm nớp lo âu, bế tắc, tuyệt vọng, khốn đốn vì tuyệt đường sinh sống.

+ Khẳng định tấm lòng chung thuỷ dành cho cụ Hồ cho kháng chiến.

(Hs lấy dẫn chứng- phân tích cảm nhận)

- Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện vô cùng cảm động khi ông nghe tin làng kháng chiến

+ Vui mừng khôn xiết khi biết làng mình vẫn là làng yêu nước, làng kháng chiến.

+ Tinh thần hi sinh cho kháng chiến: bị giặc đốt nhà, ông không buồn, không tiếc mà xem đó là bằng chứng về lòng trung thành với cách mạng.

(Hs lấy dẫn chứng- phân tích cảm nhận)

=> Việc miêu tả thành công diễn biến tâm trạng nhân vật giúp ta thấy được chiều sâu tâm lí, tính cách sinh động của ông Hai - một người nông dân giản dị, chất phác, có tình yêu làng quê, đất nước thắm thiết.

Qua nhân vật ông Hai, nhà văn thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.

>>>Đừng quên bổ sung cho bài văn của mình thông qua các bài văn mẫu cảm nhận về nhân vật ông Hai.

3. Đánh giá

- Xây dựng tình huống truyện gay cấn, thử thách nội tâm nhân vật, bộc lộ chiều sâu tư tưởng, tình cảm của nhân vật.

- Miêu tả tâm lí nhân vật chân thực và sinh động qua suy nghĩ, hành động, lời nói ( Đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm).

- Sử dụng ngôn ngữ đặc sắc, đậm chất khẩu ngữ, gần với lời ăn tiếng nói của người nông dân

- Ngôi kể linh hoạt sáng tạo.

=> Nổi bật vẻ đẹp hình tượng nhân vật ông Hai với tình yêu làng, yêu nước, tinh thần kháng chiến sâu sắc. Đó cũng là vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng Tám. Tác phẩm và nhân vật đã khơi gợi trong lòng bạn đọc những tình cảm cao đẹp: Lòng yêu nước, lòng biết ơn, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Thanh Đình - Phú Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO