Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Lý Thường Kiệt - Vũng Tàu

Hùng Cường16/04/2024 17:45

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Sở Trường THCS Lý Thường Kiệt - Vũng Tàu hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

ADQuảng cáo
thpt-ly-thuong-kiet(1).jpg

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Lý Thường Kiệt - Vũng Tàu

PHẦN I : ĐỌC HIỂU (3.0 đ)

Đọc đoạn ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi.

HAI BIỂN HỒ

Người ta bảo ở bên Palextin có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không một ai muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút khách du lịch nhiều nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây ở đây tốt tươi nhờ nguồn nước này.

Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng.

Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình.”Sự sống” trong họ rồi cũng chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết!

(Theo Quà tặng cuộc sống)

Câu 1 (0.5 đ )

a/ Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.

b/ Theo tác giả tại sao biển hồ thứ nhất lại gọi là biển chết?

Câu 2 (0.5 đ). Xác định thành phần biệt lập trong câu sau đậy: Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được.

Câu 3 (1.0 đ): Câu cuối của văn bản sử dụng biện pháp tu từ gì? Tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 4 (1.0 đ). Em có đồng tình với quan niệm Bàn tay có rộng mở trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng không? Vì sao?

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 1 (2.0 đ)

Viết đoạn văn ( khoảng một trang giấy thi ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 đ): Cảm nhận của em về ba nữ thanh niên xung phong trong tác phẩm” Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Lý Thường Kiệt - Vũng Tàu

PHẦN I : ĐỌC HIỂU

Câu 1

a/ - Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luân.

b/ - Gọi là biển hồ chết tại vì: không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không một ai muốn sống ở gần đó

Câu 2.

Thành phần biệt lập: Tình thái - Có lẽ

Câu 3

- BP tu từ so sánh:"sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết.

- Tác dụng: Nhấn mạnh sự hủy hoại vô cùng to lớn đối với cuộc sống của những người mà”cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình”, chỉ có lòng ích kỉ, không biết chia sẻ.

Câu 4

- HS khẳng định quan điểm đó là đúng: Đồng ý

- HS lí giải được: Trong cuộc sống hàng ngày, con người có những mối quan hệ, những giao tiếp, những sinh hoạt luôn”cho” và”nhận”. Nếu biết cho đi, biết chia sẻ với người khác thì cuộc đời của chúng ta sẽ tốt đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc hơn nhiều lần bởi hạnh phúc không phải chỉ nhận lấy mà còn là biết cho đi.

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 1( 2.0 đ): Viết đoạn văn ( khoảng một trang giấy thi ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống.

Yêu cầu: Học sinh làm đúng kiểu văn nghị luận về TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ .

- Biết tạo lập một đoạn văn bản nghị luận mạch lạc, luận điểm rõ ràng, chính xác, thuyết phục.

- Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, tuy nhiên cần trình bày rõ được nhận thức của bản thân về vấn đề. Các em có thể trình bày quan điểm riêng miễn sao lập luận phù hợp, thuyết phục thì GV đều cho điểm.

Mở đoạn: Giới thiệu vai trò, ý nghĩa của sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống

Thân đoạn:

ADQuảng cáo

* Giải thích:

- Đồng cảm là cùng chung cảm xúc, suy nghĩ; cùng chung một trạng thái, tâm trạng; là sự hiểu nhau giữa hai con người hoặc giữa những con người và cộng đồng.

- Sẻ chia là sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng nhau hưởng thụ hoặc cùng nhau hành động, khiến niềm vui nhân đôi và nỗi buồn vơi bớt.

-> Đồng cảm, sẻ chia là biểu hiện của tình người, ý thức vì người khác. Đồng cảm, sẻ chia là một nếp sống đẹp trong xã hội.

* Bàn luận: Tại sao cần có sự đồng cảm, sẻ chia?

- Sự đồng cảm, sẻ chia giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh có thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin, làm giảm đi những khổ đau trong cuộc sống.

- Nó có vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn, thân thiện hơn, mọi người gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Người biết đồng cảm, sẻ chia sẽ được mọi người yêu quý, trân trọng. (Dẫn chứng) - Đồng cảm, sẻ chia là truyền thống đạo lí tốt đẹp từ ngàn xưa đến nay của con người.

- Phê phán: Lối sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm.

- Mở rộng: Đồng cảm, sẻ chia phải đặt đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng thì mới có ý nghĩa.

Kết đoạn:

* Bài học nhận thức và hành động:

- Cần nhận thức được ý nghĩa quan trọng của đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống.

- Cần tích cực rèn luyện bản thân, hoàn thiện nhân cách, có những hành động cụ thể biểu hiện sự đồng cảm, sẻ chia với mọi người

Câu 2 (5.0 đ): Cảm nhận của em về ba nữ thanh niên xung phong trong tác phẩm” Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê.

Yêu cầu

• Về kĩ năng: Biết tạo lập một bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (nhân vật truyện), có bố cục đầy đủ, mạch lac. Luận điểm rõ ràng, chính xác, thuyết phục. Lời văn sinh động, gợi cảm.

• Về kiến thức: Nắm chắc nội dung văn bản; những đặc điểm (chung và riêng) của ba nữ thanh niên trong tác phẩm

• Học sinh có nhiều cách triển khai ý khác nhau. Tuy nhiên cần đảm bảo một số nội dung cơ bản sau:

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm Những ngôi sao xa xôi và ba nhân vật chính Nho, Chị Thao, Phương Định.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu

Ba cô gái Thao, Phương Định, Nho làm ở tổ trinh sát mặt đường.

Họ sống trên một cao điểm giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung bom đạn nguy hiểm.

Công việc nguy hiểm phải chạy trên cao điểm cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch, sau mỗi trận bom phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu bom chưa nổ, phá bom.

→ Công việc, hoàn cảnh sống nguy hiểm đòi hỏi sự gan dạ, bình tĩnh.

b. Những nét chung và nét riêng của ba cô gái thanh niên xung phong

* Nét chung của ba nữ thanh niên xung phong

Họ đều là những cô gái thanh niên xung phong còn trẻ, phải xa nhà, xa mái trường đi chiến đấu.

Phẩm chất cao đẹp: tinh thần trách nhiệm cao với công việc, không sợ cái chết.

Dũng cảm, gan dạ: Sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám đối mặt với cái chết mà không nao núng dù nhiều lần họ bị bom vùi và làm bị thương.

Họ có tinh thần đồng đội gắn bó, thân thiết: thể hiện ở tính tình, sự quan tâm chăm sóc chu đáo khi đồng đội bị thương.

Vẻ đẹp tâm hồn: là những cô gái trẻ dễ vui, mơ mộng nhưng cũng trầm tư sâu lắng; nữ tính thích làm đẹp cho cuộc sống ở chiến trường khói lửa, bình tĩnh, chủ động, lạc quan luôn nghĩ về tương lai.

* Nét riêng

- Nho là em út tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ bé nhỏ, nhẹ nhàng, nhưng rất bản lĩnh, rắn rỏi.

- Chị Thao là người thích làm dáng nhất, ở chị có những nét tính cách tưởng trái ngược nhau: Thích hát bài hát do Phương Định bịa ra nhưng lại không hát trôi chảy bài nào; rất dũng cảm táo bạo nhưng lại sợ máu, sợ vắt; trong cô có sự nhút nhát mềm yếu của cô gái là cô gái bản lĩnh trong chiến đấu.

- Nhân vật Phương Định: Là cô gái Hà Nội vào chiến trường 3 năm, hay hoài niệm về quê hương, mẹ, mái trường…, hồn nhiên mơ mộng với nhiều nét tính cách thể hiện rất rõ ràng: thích hát, thuộc nhiều bài hát, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom đạn nổ. Chăm sóc chu đáo cho đồng đội. Phương Định còn là cô gái nhạy cảm, duyên dáng nhưng không biểu lộ tình cảm, tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như kiêu kì nhưng lại tạo nên một sức hút tự nhiên.

→ Qua hành động và dòng suy tư của nhân vật tác giả Lê Minh Khuê cho người đọc thấy được thế giới nội tâm phong phú cùng phẩm chất anh hùng của nhân vật.

* Đánh giá về nghệ thuật : - Kể chuyện ở ngôi thứ nhất, người kể là PĐ, đồng thời là nhân vật chính nên câu chuyện vô cùng chân thực

- Ngôn ngữ kể tự nhiên, trẻ trung, nữ tính…

- Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo…

3. Kết bài

Khái quát lại ba nhân vật đồng thời nêu lên giá trị nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.

- Liên hệ : Bài học rút ra ( về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay….)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Lý Thường Kiệt - Vũng Tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO