Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Kim Đức - Phú Thọ

Hùng Cường18/04/2024 15:50

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Kim Đức - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Kim Đức - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Mong ước đầu tiên và lớn nhất của tôi là các con sẽ trở thành người tử tế, sau đó là cháu sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Sau này, con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế! Việc cháu tiếp tục học ở đâu, làm việc gì là tùy vào sở thích, niềm đam mê và năng lực của cháu. Tôi và gia đình hoàn toàn tôn trọng vào sự lựa chọn và quyết định của con mình.

(Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight, mẹ của "cậu bé vàng" Đỗ Hải Nhật Minh trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại số 24 ngày 28-1-2017, trang 7)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng ở đoạn trích trên.

Câu 2 (1.0 điểm): Trong đoạn trích người mẹ nói lên những mong ước nào của mình?

Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong câu văn:

Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế!

Câu 4 (1.5 điểm): Em có tán thành với mong ước về tương lai tuổi trẻ của vị phụ huynh thể hiện trong đoạn trích trên không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống tử tế?

Câu 2. (4,0 điểm)

Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

Tuyển tập các đề thi vào lớp 10 môn toán năm 2023

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Kim Đức - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng: nghị luận/phương thức nghị luận.

Câu 2. Trong đoạn trích người mẹ nói lên những mong ước của mình: Mong ước đầu tiên và lớn nhất của tôi là các con sẽ trở thành người tử tế, sau đó là cháu sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

Câu 3.

BPTT điệp ngữ: bất cứ, với, tử tế…

Hoặc BPTT liệt kê: với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này

Tác dụng của BPTT:

+ Tăng nhịp điệu cho câu văn.

+ Nhấn mạnh, nêu rõ lời dặn dò của những bậc làm cha, làm mẹ mong muốn con dù trong hoàn cảnh nào vũng phải sống tử tế, sống đẹp.

Câu 4.

- Em đồng tình.

- Vì sự tử tế chính là biểu hiện của niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Sự tử tế là biểu hiện của sự thiện tâm, đức độ. Khi con người biết làm đẹp tâm của mình, khi đó họ mới trở thành người thực sự có giá trị. Sống tử tế làm con người gần nhau hơn, tránh được lối sống vô cảm. Sự tử tế chính là chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng hình thức một đoạn văn, dung lượng khoảng 10 đến 12 câu.

- Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Đoạn văn sáng tạo, có cách diễn đạt mạch lạc.

Yêu cầu về nội dung:

Học sinh nêu lên quan điểm cá nhân nhưng phải làm rõ vấn đề cần nghị luận. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Lối sống tử tế là lối sống lương thiện,thể hiện phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác. Đây là một giá trị quý giá, không chỉ đối với chính bản thân mỗi người, mà còn đối với xã hội và thế giới xung quanh chúng ta.

>>Để bổ sung cho bài làm của mình thì các em có thể tham khảo chi tiết hơn nội dung nghị luận xã hội về sự tử tế.

- Bàn luận: Ý nghĩa của lối sống tử tế:

+ Sự tử tế chính là biểu hiện của niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Vì thế tử tế cũng chính là biết yêu cuộc sống này, có như vậy bạn mới có thể sống một cách tốt nhất.

+ Khi bạn biết đối xử tử tế với mọi người cũng là lúc bạn nhận được sự tử tế từ xã hội. Như vậy tử tế sẽ khiến cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

+ Sống tử tế làm con người gần nhau hơn, tránh đc lối sống vô cảm

+ Sự tử tế là biểu hiện của sự thiện tâm, đức độ. Khi con người biết làm đẹp tâm của mình, khi đó họ mới trở thành người thực sự có giá trị.

+ Làm cho xã hội văn minh, tốt đẹp hơn lên…

(Lấy dẫn chứng + Phân tích)

=>Mở rộng:

- Phê phán những người sống không tử tế, ích kỉ, làm hại người khác. Nhưng không nên sống tử tế và tốt bụng với những con người độc ác mà phải có ứng xử phù hợp.

Bài học:

- Khẳng định tầm quan trọng của lối sống tử tế.

- Rút ra bài học: Hãy trở thành một người tử tế và khi làm việc tử tế, chúng ta cần xuất phát từ chính lòng yêu thương con người, từ sự chân thành, đồng cảm, có như vậy, việc tử tế mới thật sự có ý nghĩa với chính bản thân mình và những người xung quanh.

Câu 2.

1. Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” và nhân vật anh thanh niên.

2. Thân bài

2.1 Giới thiệu hoàn cảnh ra đời và tình huống truyện:Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” viết năm 1970 làkết quả của chuyến đi lên lào Cai vào mùa hè năm 1970 của tác giả.Truyện kể về cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên làm việc ở một mình trên trạm khí tượng với bác lái xe, ông họa sĩ và cô kỹ sư trên chuyến xe lên Sa Pa. => Tình huống truyện đặc sắc, tạo điều kiện bộc lộ tư tưởng, quan điểm của tác giả khi ngợi ca con người lao động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc nước ta những năm 1970.

2.2 Đặc điểm của nhân vật:

* Luận điểm 1: Hoàn cảnh sống và công việc của anh thanh niên:

+ Làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên sơn cao 2600m, quanh năm sống với hoa cỏ.

+ Công việc của anh: đo gió, đo nắng, đo mưa, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu

=> Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đi ốp dù trời mưa tuyết, giá lạnh)

-> Điều gian khổ nhất chính là vượt qua nỗi cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình.Anh thanh niên gây ấn tượng bởi những nét đẹp trong cách sống, suy nghĩ, hành động và quan hệ tình cảm với mọi người:

* Luận điểm 2: Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt, anh có suy nghĩ rất đẹp:

• Với công việc khắc nghiệt gian khổ, anh luôn yêu và mong muốn được làm ở điều kiện lý tưởng (đỉnh cao 3142m)

• Anh có những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao lại gọi là một mình được”.

• Quan niệm về hạnh phúc cua anh rất đơn giản và tốt đẹp.

>>> Đừng quên bổ sung cho bài văn của bạn với các bài văn mẫu tham khảo phân tích nhân vật anh thanh niên

* Luận điểm 3: Hành động, việc làm đẹp:

Mặc dù chỉ có một mình không ai giám sát nhưng anh luôn tự giác hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đúng giờ ốp dù mưa gió thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc một cách đều đặn và chính xác 4 lần trong một ngày)

* Luận điểm 4: Anh thanh niên có phong cách sống cao đẹp:

• Anh có nếp sống đẹp khi tự sắp xếp công việc, cuộc sống của mình ở trạm một cách ngăn nắp: có vườn rau xanh, có đàn gà đẻt trứng, có vườn hoa rực.

• Đó là sự cởi mở chân thành với khách, quý trọng tình cảm của mọi người.

• Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc của mình có những đóng góp chỉ là nhỏ bé.

-> Chỉ bằng những chi tiết và chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc của truyện, tác giả phác họa được chân dung nhân vật chính với vẻ đẹp tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc.

=> Anh thanh niên đại diện cho người lao động.

• Anh thanh niên là đại diện chung cho những người lao động nhiệt huyết, sống đẹp, cống hiến vì tổ quốc một cách thầm lặng, vô tư.

• Những con người khiêm tốn, giản dị, trung thực, âm thầm thực hiện công việc nhiệm vụ được giao…

* Đánh giá:

Nghệ thuật:

- Cốt truyện đơn giản, xoay quanh một tình huống đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng đã để lại một ấn tượng gợi nhiều suy nghĩ.

- Xây dựng chân dung nhân vật, nhân vật được ghi lại được đánh giá qua những cảm nhận trực tiếp nhưng không hề nhạt nhòa bởi được khắc họa qua nhiều điểm nhìn và và qua việc miêu tả tinh tế.

- Câu chuyện giàu chất thơ (trữ tình), nhẹ nhàng và sâu lắng.

Chất thơ (chất lãng mạn) của “Lặng lẽ Sa Pa” cũng phụ trợ đắc lực cho bài ca ca ngợi con người bình dị mà cao quý: trong tình huống trữ tình, trong bức tranh thiên nhiên, trong lời đối thoại, nhưng quan trọng nhất đó là những ý nghĩ, cảm xúc của người trong cuộc và vẻ đẹp rất đỗi nên thơ, nên hoạ, nên nhạc của lối sống mà nhân vật chính gợi ra.

Nội dung:

- Hình tượng nhân vật anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động vì lợi ích đất nước, có sức lan tỏa tới những người xung quanh.

- Tác giả đã rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân anh thanh niên cùng những người đồng nghiệp thầm lặng cống hiến sức trẻ, thanh xuân cho đất nước, dân tộc.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên

- Liên hệ, mở rộng:

Liên hệ đến tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải để thấy lẽ sống cống hiến và hi sinh thầm lặng của con người. Có thể liên hệ, mở rộng đến những chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ (“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” – Phạm Tiến Duật; “Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê)

=>Nhắc nhở thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Kim Đức - Phú Thọ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO